Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lê Xuân Chung

Monday, 17/10/2016, 00:00

       Ngày 13/10/2016, tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã diễn ra buổi lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Vật lý hạt nhân nguyên tử (mã số: 62 44 01 06) của nghiên cứu sinh (NCS) Lê Xuân Chung (Trung tâm Vật lý hạt nhân – Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân) với đề tài: “Nghiên cứu cấu trúc của các hạt nhân halo 6,8He và 12,14 Be thông qua phản ứng trực tiếp trong động học ngược” do GS.TS Đào Tiến Khoa và GS.TS Peter Egelhof (CHLB Đức) đồng hướng dẫn.

       Tới tham dự buổi lễ có ông Đặng Hoàn Thành – Phó Viện trưởng Viện KHKTHN; Lãnh đạo Trung tâm Đào tạo hạt nhân; Các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu hạt nhân Orsay-Pháp, Viện GSI Darmstadt- Đức, đông đảo đồng nghiệp và người thân của NCS Lê Xuân Chung.

       Luận án được NCS trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh và đã nêu bật được tính mới trong kết quả nghiên cứu về cấu trúc halo của các hạt nhân 6,8He và 12,14Be thông qua các phản ứng trực tiếp trong động học ngược thực hiện tại viện GSI Darmstadt tại E ≈700 MeV/u.

       6,8He là những hạt nhân halo nhẹ nhất và được cho là bao gồm lõi α với tương ứng 2 và 4 nơtron halo liên kết yếu. Các phản ứng tán xạ đàn hồi 6,8 He+p được đo trong 2 loạt thí nghiệm cho vùng mô men xung truyền thấp và cao chứa vùng cực tiểu nhiễu xạ đầu tiên. Phân tích số liệu tán xạ đàn hồi cho chúng ta thông tin trực tiếp về kích thước và phân bố mật độ hạt nhân. Bộ số liệu đầu nhạy với thông tin cấu trúc bề mặt hạt nhân, chính là vùng thể tích halo. Trong khi đó, bộ số liệu thứ hai lại nhạy với cấu trúc lõi. Do đó, phân tích bộ số liệu tổng được chờ đợi sẽ cung cấp thông tin chính xác về kích thước và phân bố vật chất của 6,8He.

       Cấu trúc của các hạt nhân không bền 12,14Be được nghiên cứu thông qua phản ứng phân mảnh p( 12Be, 11Be) và p( 14 Be, 12 Be), thuộc loạt thí nghiệm đo vùng mô men xung truyền thấp. Độ rộng của phân bố mô men xung lượng là thông tin quan trọng không chỉ về sự hình thành cấu trúc halo mà còn về cấu hình trạng thái cơ bản của hạt nhân. Ngoài ra, sự không bền vững tại số magic N = 8 trong hạt nhân 12Be cũng đang rất được quan tâm, nó vượt ra ngoài khả năng giải thích của lớp vỏ.

       Nghiên cứu tính khả thi và R&D của các detector bán dẫn silicon hai chiều nhiều dây, sử dụng trong các dự án tương lai EXL cho cùng hướng nghiên cứu, cũng được trình bày.

       Hội đồng chấm luận án do GS-TS Trần Đức Thiệp làm chủ tịch đã đánh giá cao ý nghĩa khoa học, tính phong phú và độ tin cậy các kết quả  của luận án.  Điều này được thể hiện qua số lượng và chất lượng của các công bố, bao gồm 01 bài báo quốc tế trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín và 02 báo cáo hội nghị quốc tế, trong đó tác giả luận án có vai trò quan trọng.

       Hội đồng và giáo viên hướng dẫn khoa học đánh giá cao những nỗ lực của NCS trong nhiều năm học tập, làm việc trong điều kiện khó khăn để theo đuổi hướng nghiên cứu nhiều triển vọng, có ý nghĩa khoa học.

      Sau khi nghe NCS trình bày luận án và trả lời các câu hỏi của hội đồng cùng các thành viên tham gia buổi bảo vệ, Hội đồng đã kết luận: Luận án tiến sĩ của NCS Lê Xuân Chung đáp ứng được các yêu cầu luận áo tiến sĩ chuyên ngành Vật lý hạt nhân nguyên tử và đề nghị Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ cho NCS Lê Xuân Chung.

       Xúc động và phấn khởi với kết quả đạt được sau quá trình học tập và nghiên cứu, NCS Lê Xuân Chung đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến hai người thầy đã tận tâm hướng dẫn, chỉ bảo để NCS hoàn thành luận án tiến sĩ; đồng thời NCS gửi lời cảm ơn đến Viện KHKTHN, Trung tâm đào tạo hạt, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đồng nghiệp và gia đình đã luôn hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để NCS đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 5029