Phòng thí nghiệm thuỷ văn đồng vị, một địa chỉ đáng tin cậy về đánh giá chất lượng và nguồn gốc ô nhiễm trong nguồn nước và trong môi trường

Tuesday, 22/11/2011, 00:00

Giới thiệu

Hiện nay, Phòng thí nghiệm Thuỷ văn đồng vị là một trong những phòng thí nghiệm hàng đầu của Viện KH&KTHN. Phòng có đủ năng lực về con người và thiết bị máy móc để trở thành phòng thí nghiệm tiên tiến trong lĩnh vực nghiên cứu thuỷ văn đồng vị, một lĩnh vực khoa học còn mới mẻ ở Việt Nam. Đội ngũ khoa học ở đây đều đã được đào tạo tại các phòng thí nghiệm tiên tiến của các nước trên thế giới như Thuỵ Điển, Đức, Úc, Nhật Bản, Mỹ và Cơ quan nguyên tử năng quốc tế (IAEA). Phòng được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại như khối phổ kế phân tích tỷ số các đồng vị bền, hệ nhấp nháy lỏng (LCA) phân tích các đồng vị phóng xạ, hệ sắc ký ion (Dionex – 600) phân tích hàm lượng các ion chính trong mẫu nước, máy sắc ký khí (Varian 3800) phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hệ máy phân tích tổng các bon hữu cơ và tổng nitơ trong mẫu nước (Shimadzu TOC & TN), hệ máy quang phổ tử ngoại khả kiến (UV-Vis mini) phân tích một số các chỉ tiêu hoá lý trong mẫu nước, và một số các thiết bị đo đạc hiện trường. Trong tương lai phòng tiếp tục được đầu tư các thiết bị hiện đại như Máy đo thành phần đồng vị d2H và d18O trong nước. 

Nhiệm vụ chức năng và định hướng nghiên cứu

Nhiệm vụ chính của Phòng thí nghiệm Thuỷ văn đồng vị là nghiên cứu về lượng và chất lượng nước, nguồn gốc ô nhiễm trong nguồn nước và trong môi trường. Phòng thí nghiệm đã được Bộ KH&CN cấp phép cho tiến hành dịch vụ phân tích chất lượng nước và kết hợp với các phòng thí nghiệm thuỷ văn đồng vị khác để đánh giá trữ lượng nguồn nước.

Phòng thí nghiệm Thuỷ văn đồng vị với các kỹ thuật đồng vị và truyền thống   đang tiếp tục phát triển theo các hướng sau:

- Đo chất lượng nước và đặc trưng hoá các nguồn gây ô nhiễm trong môi trường nước để làm sáng tỏ tác động của sự gia tăng dân số cũng như các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp lên chất lượng nguồn nước. Điều này sẽ giúp các nhà quản lý đưa ra các chiến lược hợp lý cho việc kiểm soát ô nhiễm.

- Đánh giá sự tương tác giữa nước bề mặt và nước ngầm nhằm giúp các nhà chức trách địa phương ban hành giấy phép về trữ lượng nước ngầm tối đa có thể được chiết ra để cung cấp cho dân chúng tại những nơi nước ngầm là nguồn nước duy nhất cho người dân.

 - Định giá về tác động của các hoạt động nông nghiệp thông thường lên nước và chất lượng của thực phẩm. Điều này rất hữu ích cho nông dân Việt Nam trong việc một mặt làm tăng hiệu quả sử dụng nước (đang là nguồn quí hiếm), mặt khác làm giảm đến tối thiểu sự nhiễm bẩn nước và thực phẩm.

- Phòng thí nghiệm cũng sẽ phát triển các kỹ thuật khác để xử lý ô nhiễm môi trường.

Các thành tựu nghiên cứu

1. Ứng dụng kỹ thuật đồng vị để đánh giá tài nguyên nước ngầm tại khu vựcHà Nội (2004-2005)

2. Ứng dụng kỹ thuật đồng vị để đánh giá nguồn gốc của thành phần nitơ trong nước ngầm tại khu vực Hà Nội

3. Ứng dụng kỹ thuật đồng vị để đánh giá sự tương tác giữa nước bề mặt và nước ngầm tại khu vực Hà Nội

4. Hợp tác nghiên cứu với Cơ quan phát triển quốc tế Danish (DANIDA) về “Kiểm soát quá trình thuỷ địa và địa chất trong tầng ngậm nước bị nhiễm asen tại đồng bằng sông Hồng, Việt Nam”.

5. Hợp tác nghiên cứu với Cơ quan phát triển quốc tế Thuỵ Điển (SIDA) về “Sự vận chuyển asen trong một vùng sản xuất nước uống dọc theo sông Hồng, Nam Dư, Hà Nội”

6. Hợp tác nghiên cứu với UNESCO về “Sự tái tạo nước ngầm tại tỉnh Ninh Thuận, vùng trung tâm của Việt Nam”            

 Dịch vụ và khách hàng  

Phòng đang xúc tiến chuẩn hoá phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 :2005 để được công nhận là phòng đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. 

Hiện nay các khách hàng thường xuyên của Phòng thí nghiệm là:

- Các công ty cung cấp nước (để kiểm tra chéo chất lượng nước được cung cấp cho dân chúng trên toàn quốc)  

- Các Sở Khoa học và Công nghệ hoặc các sở Tài nghuyên và Môi trường của các tỉnh (để đánh giá nguồn gốc ô nhiễm trong nguồn nước đang được khai thác tại địa phương)

- Các bộ phận thuỷ văn đồng vị khác trong cả nước (để trợ giúp trong việc định giá một nguồn nước được khai thác nhằm cung cấp cho dân chúng).

Lượt xem: 6360
 
009bet