Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư với Hungary

Monday, 16/06/2014, 00:00

        Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư với Hungary “Hợp tác xây dựng quy trình đo đồng thời Rn, Tn bằng Detector vết và ứng dụng tại cơ sở khai khoáng Việt Nam do ThS. Bùi Đắc Dũng làm chủ nhiệm được thực hiện trong thời gian 2011-2013 với tổng kinh phí 1.560 triệu đồng. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, các cán bộ tham gia nhiệm vụ đã thực hiện thành công các nội dung chuyên môn sau:

       - Xây dựng được hai quy trình đo đồng thời Radon (Rn) và Thoron (Tn) bằng detector vết hạt nhân: CR-39 với buồng đo Raduet và LR-115 với buồng đo 3x3. Các quy trình này đều phù hợp với quy trình đo đồng thời Rn và Tn do ISO và Hungary ban hành, với độ lặp lại >95% và sai số <10%.

       - Xây dựng được các hệ số chuẩn để tính toán nồng độ Rn và Tn đối với hai loại buồng đo được sử dụng trong hai quy trình trên;

      - Đã thử nghiệm thành công hai quy trình trên để điều tra nồng độ Rn và Tn phát thải ra môi trường từ 3 cơ sở khai khoáng trong nước: Mỏ than Dương Huy, mỏ than Tân Lập và các cơ sở khai thác - chế biến sa khoáng ven biển Hà Tĩnh. Từ kết quả điều tra đã xây dựng các báo cáo đánh giá, phân tích liều chiếu tự nhiên, liều chiếu gia tăng và đánh giá an toàn bức xạ tại các vùng mỏ trên, phù hợp chuẩn quốc tế.

 

Đường hầm lò +38 mỏ than Dương Huy

 

Treo các cặp detector vết trong hầm lò

 

       Từ các kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện nhiệm vụ cũng đã công bố 02 bài báo trên các tạp chí quốc tế, 02 báo cáo tại các hội nghị quốc tế, đồng thời hỗ trợ 1 cán bộ bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ và 2 sinh viên  bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp.

       Các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ sẽ góp phần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, phương pháp, quy trình công nghệ trong hoạt động Bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các nghiên cứu này cũng đưa ra những kiến nghị, khuyến cáo giúp các cơ quan chức năng của Nhà nước, các công ty khai khoáng đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn bức xạ tại các khu vực khai khoáng nhằm giảm nguy cơ ung thư phổi do các ảnh hưởng tiêu cực của Rn và Tn. Đồng thời, việc hợp tác nghiên cứu với Hungary là một cơ hội để Việt Nam tiếp cận với các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu của thế giới tiên phong trong lĩnh vực đánh giá tác động bất lợi của Rn và Tn tới sức khoẻ con người.

       Nhiệm vụ đã được nghiệm thu tháng 11/2013.

 

Nguồn tin từ Phòng Kế hoạch và hợp tác quốc tế

Lượt xem: 4787

Các tin khác