Đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp cơ sở: “Xác định đặc trưng của thanh điều khiển lò phản ứng PWR 900MWe của Nhật Bản”

Tuesday, 11/08/2015, 00:00

       Đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp cơ sở: “Xác định đặc trưng của thanh điều khiển lò phản ứng PWR 900MWe của Nhật Bản” do KS. Phan Quốc Vương làm chủ nhiệm được ký hợp đồng thực hiện trong thời gian 12 tháng từ 1/2014 đến 12/2014 với tổng kinh phí là 45 triệu đồng. Mục tiêu của đề tài là giúp các cán bộ nghiên cứu nắm được phương pháp xác định độ hiệu dụng của thanh điều khiển trong vùng hoạt lò phản ứng và đánh giá được đặc trưng của các thanh điều khiển, đồng thời nâng cao kỹ năng sử dụng chương trình tính toán xác định đặc trưng vật lý lò phản ứng. Để đạt được các mục tiêu trên, nhóm thực hiện đề tài gồm 4 cán bộ của Trung tâm Năng lượng hạt nhân – Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đã đặt ra các nội dung cần phải thực hiện như sau:

       - Sử dụng chương trình SRAC xác định độ hiệu dụng của các thanh điều khiển cho mô hình lò phản ứng đơn giản.

       - Tính toán độ hiệu dụng của các thanh điều khiển trong lò phản ứng PWR 900Mwe của Nhật Bản bao gồm:

         + Tìm hiểu thiết kế của các thanh điều khiển lò phản ứng PWR 900MWe của Nhật Bản

         + Tính toán độ hiệu dụng của thanh điều khiển trong bó nhiên liệu

         + Mô hình tính toán độ hiệu dụng của thanh điều khiển trong toàn vùng hoạt

         + Phân tích đánh giá các đặc trưng tích phân của thanh điều khiển

       Sau 1 năm triển khai thực hiện, nhóm đề tài đã cơ bản hoàn thành các nội dung đề ra. Nhóm đã thực hiện tính toán giá trị thanh điều khiển của các nhóm thanh điều khiển trong lò PWR 900MWe do công ty Mitsubishi thiết kế bằng bộ chương trình tính toán đặc trưng notron SRAC. Đây là bộ chương trình nằm trong số 5 chương trình của bộ chương trình SRAC đã được sử dụng để mô hình hóa cho các thanh nhiên liệu, thanh điều khiển và cho mô hình một phần tư vùng hoạt. Kết quả thu được là đặc trưng tích phân và đặc trưng vi phân của các nhóm thanh điều khiển công suất. Một kết quả khả quan khác chính là độ dự trữ độ phản ứng của tất cả các nhóm thanh điều khiển cỡ 5%. Các kết quả tính toán của đề tài khá phù hợp với tài liệu kỹ thuật mà Mitsubishi sử dụng để giảng dạy cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

       Đề tài được đánh giá là có ý nghĩa khoa học và thực tiễn phù hợp với chủ trương của chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

       Nhóm thực hiện đề tài kiến nghị Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) cho phép thực hiện thêm các tính toán giá trị thanh điều khiển bằng các code Monte Carlo để khẳng định lại tính đúng đắn của các kết quả nghiên cứu của đề tài trong thời gian tới.

       Đề tài đã được Viện NLNTVN tổ chức Hội đồng KHCN nghiệm thu chính thức vào ngày 28/5/2015 và được nghiệm thu đánh giá loại tốt. Đề tài đang hoàn tất các thủ tục để thanh lý hợp đồng. 

Lượt xem: 11541

Các tin khác