Kết quả thực hiện đề tài KHCN: “Nghiên cứu xây dựng phương pháp xác định hàm lượng Tritium (H-3) trong không khí” do ThS. Nguyễn Thị Thu Hà làm chủ nhiệm

Friday, 20/05/2016, 00:00

       Đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: “Nghiên cứu xây dựng phương pháp xác định hàm lượng Tritium (H-3) trong không khí” do ThS. Nguyễn Thị Thu Hà làm chủ nhiệm được giao thực hiện trong thời gian 2 năm từ 1/2013 đến 12/2014. Đề tài được đặt ra với mục tiêu chính là:

     - Có được qui trình kỹ thuật xác định hàm lượng Tritium (H-3) trong không khí (sử dụng thiết bị MARC-7000) và có thể phổ biến áp dụng

     - Có được số liệu ban đầu về hàm lượng Tritium (H-3)trong không khí tại Hà Nội

       Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng nội dung thực hiện đề tài bao gồm các phần chính như sau:

     - Nghiên cứu tổng quan về H-3

     - Nghiên cứu xây dựng phương pháp xác định hàm lượng H-3 trong không khí

     - Tổng hợp các kết quả nghiên cứu để đề xuất qui trình phân tích xác định hàm lượng H-3 trong không khí

     - Triển khai áp dụng vào thực tiễn

       Sau thời gian dài triển khai thực hiện, nhóm đề tài đã thành công trong việc xây dựng Quy trình phân tích xác định hoạt độ của H-3 trong không khí. Quy trình xây dựng được được đánh giá là có chất lượng, tin cậy và hoàn toàn có thể triển khai áp dụng trong thực tiễn. Trong đó, Giới hạn phát hiện (MDA) của phương pháp xác định hoạt độ phóng xạ của H-3 trong không khí đạt được là 4mBq/m3. Cụ thể, đề tài đã áp dụng quy trình để triển khai thực tiễn đối với 24 mẫu khí tại Hà Nội (2 mẫu/1 tuần) trong đó có 12 mẫu khí trong mùa khô và 12 mẫu khí trong mùa mưa để phân tích H-3, xử lý làm giàu mẫu và xác định hàm lượng H-3 trong các mẫu đã thu góp được. Kết quả phân tích cho thấy hiệu suất thu góp mẫu trung bình là 74,82%; Sai số hoạt độ phóng xạ trung bình đạt được là 9,62% (giá trị cao nhất là 10,65%); hoạt độ phóng xạ thấp nhất của H-3 là 13,42 mBq/m3, cao nhất là 38,15 mBq/m3; Hoạt độ phóng xạ trung bình tháng là 22,39 mBq/m3­­ với độ lệch chuẩn là 4,84 mBq/m3. Kết quả của đề tài đã được báo cáo tại Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc năm 2013 và 2015.

       Hiện nay, Đề tài đã được nghiệm thu và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả của Cục thông tin khoa học và công nghệ quốc gia. Tuy nhiên, Với mong muốn có được các số liệu liên tục về H-3 ở Hà Nội để đáp ứng nhu cầu quan trắc phóng xạ và khai thác một cách có hiệu quả thiết bị thu góp mẫu chuyên dụng MARC-7000, nhóm thực hiện đề tài vẫn đang tiếp tục thu góp mẫu trên hệ MARC-7000 với tần suất 2 cặp mẫu/1 tháng, mỗi cặp mẫu thu góp trong 2 tuần gồm 1 mẫu để phân tích HTO và 1 mẫu để phân tích HT.

       Kết quả của đề tài đã góp phần tạo thêm công cụ nghiên cứu, kiểm soát phóng xạ môi trường đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Đồng thời, kết quả của đề tài cũng góp phần cung cấp số liệu điều tra, khảo sát nền phông phóng xạ H-3 trong không khí phục vụ việc đánh giá tác động môi trường về mặt phóng xạ của NMĐHN trước khi khởi công xây dựng, trong quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị cũng như trong suốt quá trình vận hành khai thác điện.

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 10829

Các tin khác

 
009bet