Kết quả Đề tài KH&CN cấp Bộ: “Xây dựng quy trình xác định tỷ số đồng vị 18O và 2H trên hệ phổ kế laze và ứng dụng để đánh giá mối quan hệ giữa tầng nước mặt và nước ngầm khu vực phía nam Hà Nội"

Wednesday, 09/08/2017, 00:00

       Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Xây dựng quy trình xác định tỷ số đồng vị 18O và 2H trên hệ phổ kế laze và ứng dụng để đánh giá mối quan hệ giữa tầng nước mặt và nước ngầm khu vực phía nam Hà Nội” do ThS. Võ Thị Anh làm chủ nhiệm được phê duyệt giao thực hiện trong thời gian 2 năm từ 1/2015 đến 12/2016 với tổng kinh phí được cấp là 500 triệu đồng. Đề tài được đặt ra với hai mục tiêu chính là:

- Xây dựng thành công quy trình xác định tỷ số đồng vị 18O và 2H trên hệ phổ kế lazer.

- Ứng dụng kết quả phân tích xác định tỷ số đồng vị 18O và 2H trên hệ phổ kế lazer để đánh giá sơ bộ mối quan hệ giữa tầng nước mặt và nước ngầm khu vực phía nam Hà Nội. 

       Để có thể hoàn thành tốt các mục tiêu kể trên, nhóm đề tài đã đề xuất và thực hiện các nội dung chính sau:

- Nghiên cứu tổng quan các tài liệu trong và ngoài nước liên quan tới cấu trúc địa chất khu vực phía nam Hà Nội, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm khu vực phía nam Hà Nội cũng như thu thập số liệu về địa chất tại các điểm lấy mẫu quan trắc.

- Xây dựng và đánh giá độ tin cậy của Quy trình phân tích mẫu nước xác định tỷ số đồng vị 18O, 2H trên hệ phổ kế lazer.

- Xây dựng mạng lưới quan trắc và tiến hành thu thậpvà phân tích mẫu tại khu vực phía nam Hà Nội định kỳ một năm hai lần trong thời gian 2 năm.

- Phân tích tỷ số đồng vị 18O, 2H của các mẫu nước đã thu thập.

- Phân tích một số chỉ tiêu hoá, sinh trên các mẫu nước.

- Phân tích đồng vị phóng xạ triti 3H.

- Ứng dụng kết quả phân tích tỷ số đồng vị 18O, 2H để đánh giá sơ bộ mối quan hệ giữa tầng nước mặt và nước ngầm khu vực phía nam Hà Nội.

       Sau 2 năm triển khai thực hiện, nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Cụ thể, nhóm thực hiện đã xây dựng thành công quy trình xác định tỷ số đồng vị 18O và 2H trên hệ phổ kế lazer. Việc ứng dụng quy trình này vào việc phân tích các mẫu nước được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Thuỷ văn đồng vị cho thấy độ lệch chuẩn của mẫu là nhỏ hơn hoặc bằng 0,1‰ với δ18O và nhỏ hơn hoặc bằng 0,3‰ với δ2H; độ không đảm bảo đo của mẫu là nhỏ hơn hoặc bằng 0,42‰ với δ2H và nhỏ hơn hoặc bằng 0,14‰ với δ18O tại 1 σ. Bên cạnh đó, kết quả xác định đồng vị bền δ18O và δ2H trên các mẫu nước cho thấy: trong mẫu nước mặt, giá trị đồng vị bền δ18O dao động từ - 9,82‰  đến - 4,87‰ và δ2H nằm trong khoảng từ - 64,05‰ đến - 41,8‰. Trong các mẫu nước giếng khoan, giá trị đồng vị bền δ18O nằm trong khoảng từ -14,83‰ đến -2,03‰, giá trị δ2H nằm trong khoảng từ - 97,12‰ đến -26,11‰.

       Từ các kết quả nghiên cứu phân tích, nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra kết luận rằng nước ngầm khu vực phía nam Hà Nội có hai nguồn đóng góp chính là nguồn nước khí tượng và từ nước sông Hồng. Hầu hết kết quả phân tích mẫu nước tại các vị trí lỗ khoan và vị trí mẫu nước mặt (trừ nước sông Hồng) đều có hàm lượng BOD5, COD và NH4 vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép (QCVN08:2015/BTNMT với lỗ khoan và QCVN09:2015/BTNMT với nước mặt).

       Kết quả nghiên cứu chính của đề tài đã được công bố trong bài báo quốc tế: Anh, V.T., Minh, T.K., Giap, T.V., Anh, H.L., Cong, N.T., Thinh, N.H. and Hoai, V. (2016) Using Isotope Technology for Surface Water Environment Research in Southern Hanoi. Journal of Environmental Protection, 7, 1113-1118. http://dx.doi.org/10.4236/jep.2016.78100.

       Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần đưa ra một cách tiếp cận mới trong việc ứng dụng kỹ thuật đồng vị để đánh giá sơ bộ mối quan hệ giữa tầng nước mặt và nước ngầm tại khu vực Hà Nội. Bên cạnh đó, kết quả của đề tài còn là cơ sở giúp các nhà quản lý môi trường nước đô thị có chính sách phù hợp để cải tạo môi trường nước mặt cũng như có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nguồn nước ngầm của Hà Nội.

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 15548

Các tin khác