Những thành tựu chủ yếu từ khi thành lập đến nay

Friday, 18/11/2011, 00:00

Thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ.

Trong 20 năm qua, Viện KH&KTHN luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật - công nghệ hạt nhân. Viện đã triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án các cấp, bao gồm:
Cấp Nhà nước:

- Trực tiếp chủ trì 6 đề tài thuộc Chương trình KHCN cấp Nhà nước về kỹ thuật hạt nhân KC-09 (1992-1995), trong đó đề tài KC-09-17 ” Nghiên cứu chiến lược phát triển kỹ thuật và năng lượng hạt nhân ở Việt Nam” có thể xem như là nghiên cứu trong nước đầu tiên về điện hạt nhân. 

- Trực tiếp thực hiện 6 tiểu mục trong nội dung đề tài KH-09-04: “ Xác định căn cứ khoa học, kinh tế, xã hội cho chương trình phát triển điện hạt nhân”, (1996-1999), thuộc Chương trình KHCN cấp Nhà nước về chính sách và chiến lược phát triển năng lượng bền vững KH-09. 

- Phối hợp tham gia cùng Bộ Công thương thực hiện Dự án “Nghiên cứu tổng quan phát triển nhà máy điện ngyên tử ở Việt Nam” (1996-1998). 

- Là đơn vị chủ lực tham gia thực hiện 2 đề tài độc lập cấp nhà nước: “Tình trạng ô nhiễm bụi hô hấp có phân biệt kích thước hạt trong môi trường đô thị và môi trường sản xuất” (1998-1999) và “Xác định các yếu tố tác động đến ô nhiễm bụi hô hấp PM10 trong quá trình công nghiệp hoá”  (2001-2002). 

- Tham gia thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước về “Xây dựng cơ sở hạ tấng R-D cho phát triển điện hạt nhân” và nghiên cứu làm rõ 7 điểm liên quan đến chương trình điện hạt nhan (2003-2005).

- Trực tiếp thực hiện hơn 70 đề tài thuộc chương trình NCCB cấp nhà nước.

- Thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ Nghị định thư với Hoa kỳ, Malaysia, Cộng hoà liên bang Đức, Hungari, Hàn Quốc, Cộng hòa Pháp.

- Từ năm 1991 đến 2010 toàn Viện đã triển khai thực hiện gần 80 đề tài, dự án cấp Bộ và hơn 200 đề tài cấp cơ sở.    

Ngoài ra Viện còn chủ trì hoặc đồng tham gia thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ ngành khác dưới hình thức các hợp đồng nghiên cứu như các đề tài với Bộ xây dựng, Bộ Công thương, Tổng Cục Môi trường...

Những kết quả nổi bật:

Về điện hạt nhân:

- Kết quả của các đề tài thuộc chương trình KHCN cấp Nhà nước KC-09 và KH – 09 do Viện KH&KTHN thực hiện là những nghiên cứu tiên phong về điện hạt nhân và trở thành cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo phục vụ cho Dự án tiền khả thi về điện hạt nhân ở Việt Nam. Những công trình nghiên cứu liên tục trong nhiều năm qua về điện hạt nhân của Viện đã góp phần không nhỏ trong việc tư vấn cho Đảng và Nhà nước quyết định đưa điện nguyên tử vào Việt nam.

Về công nghệ bức xạ:

- Viện là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện nghiên cứu trong lĩnh vực này. Các nghiên cứu phát triển công nghệ bức xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã được đưa vào ứng dụng thực tế như chiếu xạ khử trùng y tế, mô ghép, bảo quản thực phẩm, sản xuất phân vi sinh, biến tính vật liệu, liều kế màng mỏng... Các kết quả trên là căn cứ khoa học và thực tiễn tin cậy để Viện năng lương nguyên tử Việt Nam quyết định xây dựng một cơ sở ứng dụng công nghệ bức xạ khác với quy mô thương mại ở thành phố Hồ chí Minh và hiện tại cơ sở đang hoạt động rất hiệu quả.

Về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu môi trường:

- Dự án " Điều tra nhiễm bẩn phóng xạ nhân tạo do các hạt nhân và các sự cố hạt nhân trên thế giới gây ra trên lãnh thổ Việt Nam" (1997-1998) đã được thực hiện đạt kết quả xuất sắc. Đã xây dựng được một bộ số liệu về phân bố Cs – 137 trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Đây là bộ số liệu có ý nghĩa cho công tác kiểm xạ môi trường ở vùng châu Á - Thái Bình Dương.

- Các nghiên cứu khác về điều tra khảo sát hiện trạng và xây dựng bộ số liệu về phông phóng xạ môi trường triển khai ở một số tỉnh trong nước tiến hành trong nhiều năm qua có ý nghĩa thực tiễn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, giúp cho các cơ quan quản lý có những căn cứ khoa học cần thiết để thực hiện việc quy hoạch dân cư và các cơ sở sản xuất , đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động phóng xạ đến con người và môi trường.

- Quản lý và vận hành trạm quan trắc vùng phía Bắc về phóng xạ môi trường, bao gồm các địa điểm: Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn. Các số liệu thu được trong 10 năm qua có ý nghĩa khoa học trong việc đánh giá tác động của hoạt động sản xuất đến môi trường, đồng thời làm cơ sở cho việc xây dựng mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ toàn quốc đến năm 2020.

- Kết quả nghiên cứu của các đề tài độc lập cấp nhà nước về bụi khí và các nghiên cứu tiếp theo đã đưa ra các số liệu, đánh giá về diễn biến của bụi kích thước nhỏ (P2,5, P2,5-10) trong môi trường đô thị và kết quả tính toán một số quĩ đạo lùi phục vụ nghiên cứu lan truyền tầm xa để góp phần vào việc kiểm soát ô nhiễm môi trường.

- Lần đầu tiên công nghệ oxy hoá trong muối nóng chảy (MSO), một công nghệ tiên tiến có hiệu quả gần như tuyệt đối, thân thiện với môi trường để xử các chất thải nguy hại, chất thải phóng xạ được nghiên cứu ở Việt Nam. Hệ thống thử nghiệm và qui trình vận hành xử lý chất thải nguy hại hữu cơ đang được chuyển giao để tiếp tục nghiên cứu với đối tượng thải phóng xạ.

 Về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế-kỹ thuật khác:

 - Các đề tài, dự án về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân đã được triển khai rộng rãi trong công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, nông nghiệp và đã khẳng định được vị thế của mình. Phương pháp kiểm tra không huỷ thể (NDT) đã được các cán bộ của Viện áp dụng tại các công trình thuỷ điện Vĩnh Sơn, Thác Mơ, Yaly, cầu Việt Trì, cầu Quán Hầu, cầu Hoà Bình …đã được thừa nhận là một phương pháp đáng tin cậy, rẻ tiền, nhanh chóng cho kết quả. Viện đã đào tạo được hơn 300 cán bộ kỹ thuật NDT (bậc II, bậc III) cho các đơn vị khác nhau trong cả nước, góp phần xây dựng hầu hết các đơn vị NDT của các ngành kinh tế quốc dân, nhờ đó Nhà Nước đã tiết kiệm được nhiều triệu USD cho việc thuê các công ty nước ngoài trong việc kiểm tra các công trình (đặc biệt trong xây dựng, giao thông, dầu khí).

 - Kỹ thuật hạt nhân đã được nghiên cứu và áp dụng để tối ưu chế độ tưới nước cho rau theo nhu lịch và nhu cầu nước của cây trồng sử dụng nhằm tạo ra hiệu quả sử dụng nước của rau là cao nhất. phương pháp tưới nhỏ giọt theo nhu cầu phát triển của rau trồng trên nền đất phù sa cổ sông Hồng đã được đề nghị và áp dụng tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

 - Lần đầu tiên ở Việt Nam kỹ thuật đánh dấu đồng vị kết hợp với lysimeter được áp dụng để nghiên cứu sự phân bố và số phận của dư lượng nông hóa (chlorpyrifos đánh dấu đồng vị cacbon 14) giữa các thành phần môi trường giúp người nông dân có các biện pháp hữu hiệu về sử dụng các loại phân bón để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cũng như lương thực-thực phẩm bởi dư lượng nông hóa.

 - Trong nghiên cứu thuỷ văn, phương pháp sử dụng các đồng vị trong tự nhiên để đánh giá nguồn gốc nước ngầm khu vực trong Hà Nội, đánh giá nguồn gốc nhiễm bẩn các hợp chất ni tơ và lưu huỳnh trong nước ngầm đã được các can bộ của Viện nghiên cứu và triển khai ứng dụng có kết quả, đóng góp tích cực cho công tác quản lý và khai thác nước ngầm của địa phương.

 - Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân cũng đã thực hiện chuyển giao công nghệ “ Xác định tuổi tuyệt đối trong khảo cổ học bằng phương pháp phóng xạ” cho Viện Khảo cổ học, thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia. Đây là một sự hợp tác rất có ý nghĩa Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Với phòng thí nghiệm này, Viện Khảo cổ học đã tự đánh giá khá chính xác được tuổi của nhiều mẫu vật mà trước đây phải thuê các phòng thí nghiệm của nước ngoài. Điều đó ngoài việc tiết kiệm được ngoại tệ và thời gian nó còn có ý nghĩa về mặt chính trị, sự tự chủ và độ tin tưởng vào kết quả. Hai khu khai quật có sự tham gia đánh giá tuổi cổ vật trong nước gần đây của phòng thí nghiệm này là khu Mộ thuyền và khu Thành cổ Thăng Long).

 - Cùng với Viện Nghiên cứu vật liệu xây dựng, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân đã nghiên cứu, chế tạo thay thế các hệ thống điều khiển cho các dây chuyền sản xuất xi măng, được ngành xi măng đánh giá cao và được áp dụng có hiệu quả, góp phần khôi phục và ổn định nhiều xí nghiệp xi măng lò đứng, vượt qua nguy cơ phá sản của các xí nghiệp này trong những năm 1998-2000.

 Về an toàn bức xạ:

 - Các đề tài, dự án về an toàn bức xạ góp phần tích cực cho việc thực hiện các Điều khoản về ATBX quy định trong Luật năng lượng nguyên tử. Viện KH&KTHN là đơn vị chủ chốt trong cả nước về an toàn bức xạ và kiểm xạ môi trường, đo và chuẩn liều, chuẩn thiết bị bức xạ, thực hiện những công tác kỹ thuật về an toàn và kiểm soát bức xạ. Đã đăng ký được ba bộ tiêu chuẩn kiểm định thiết bị y tế phóng xạ. Trung tâm An toàn bức xạ và Môi trường của Viện được Nhà nước giao làm đơn vị kiểm định các máy X- quang chẩn đoán và máy xạ trị; kiểm tra, đánh giá an toàn bức xạ của các cơ sở bức xạ. Công trình nghiên cứu triển khai về ATBX và thành tích xây dựng ba bộ tiêu chuẩn kiểm định thiết bị do cố Phó Viện trưởng Phạm Quang Điện chủ trì được tặng giải nhất công trình nghiên cứu khoa học trong đợt khen thưởng đầu tiên (1997-1998) của Viện NLNTVN.

 Về nghiên cứu cơ bản:

 - Từ năm 2000 đến nay Viện đã tiến hành nghiên cứu cơ bản kết hợp với đào tạo tiến sĩ chuyên ngành vật lý hạt nhân nguyên tử và vật lý lý thuyết, thu được những kết quả nghiên cứu tiên tiến, đạt trình độ quốc tế. Viện KH&KTHN là một trong không nhiều Viện khoa học ở nước ta trung bình hàng năm có hơn 10 công trình đăng ở các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới như: Nuclear Phyics, Physical Review, Radiation Phyics and Chemitry...

 Hai nhóm đề tài nghiên cứu cơ bản về lý thuyết phản ứng hạt nhân và vật lý tia vũ trụ là 2 hướng nghiên cứu trọng điểm của chương trình KHCB Nhà nước, được đánh giá đạt kết quả xuất sắc.

 Năm 2010 GS-TS Đào Tiến Khoa đã được nhận được giải thưởng “Nhân tài đất Việt” trong lĩnh vực vật lý do Hội khuyến học Việt Nam trao tặng cho cụm công trình nghiên cứu về lý thuyết hạt nhân.

 Thành tích trong công tác đào tạo-phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo sau đại học:

Trong 20 năm qua Viện KH&KTHN đã đào tạo được 15 tiến sĩ và hơn 20 thạc sĩ thuộc các chuyên ngành Vật lý lý thuyết và vật lý toán, vật lý nguyên tử và hạt nhân, hoá học, công nghệ thông tin...Nhiều người trong số cán bộ được đào tạo nói trên đã trở thành những cán bộ đầu đàn, giữ các vị trí chủ chốt trong đơn vị và ngành. Nhiều cán bộ khoa học của Viện đã và đang tham gia công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo khác trong nước như Trường Đại học KHTN Hà nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội...; Hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học từ nhiều đơn vị khác nhau.

Đào tạo nâng cao:

Trong khuôn khổ Dự án hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật bản, từ năm 2001 đến nay Viện đã tổ chức hàng chục khoá đào tạo chuyên ngành về an toàn bức xạ, ghi đo bức xạ và ứng phó sự cố bức xạ cho gần 400 học viên từ các cở sở hạt nhân trong cả nước. Ngoài ra Viện cũng trực tiếp hoặc phối hợp với các Sở koa học và công nghệ của các địa phương tổ chức hàng chục khoá huấn luyện, phổ biến kiến thức về ATBX khác cho các cán bộ quản lý và vận hành các thiết bị bức xạ.

Thành tích trong triển khai công nghệ và dịch vụ kỹ thuật:

Nhiều kết quả nghiên cứu của các đề tài của Viện trong những năm qua đã được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, đồng thời nâng cao đời sống của CBVC trong đơn vị .

Thiết bị cảnh báo phóng xạ treo tường đã được chế tạo thành công tại Viện, đoạt giải thưởng Techmart toàn quốc nâm 2009 và được một số cơ sở bức xạ trong nước đặt hàng.

Các dịch vụ đo liều cá nhân cho các nhân viên bức xạ trong cả nước, chuẩn liều các thiết bị xạ trị, kiểm tra chất lựơng các thiét vị X-quang y tế, hiệu chuẩn các thiết bị ghi đo bức xạ, tư vấn thiết kế, kiểm tra, đánh giá ATBX , phân tích mẫu môi trường, kiểm tra không huỷ thể được các đơn vị trong Viện triển khai rộng rãi và trở thành địa chỉ đáng tin cậy đối với nhiều cơ sở khách hàng.

Doanh thu hàng năm từ các hoạt động này tính trung bình từ năm 2006 đến nay toàn Viện đạt khoảng 7,5 tỷ đồng (Bằng khoảng 50% tổng kinh phí NSNN cấp cho Viện).

Thành tích trong các công tác khác :

Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân là đơn vị trong nhiều năm được cấp trên đánh giá là một tập thể đoàn kết, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, chỉ thị của cấp trên. Tỷ lệ cán bộ, viên chức đạt các danh hiệu “ lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua” các cấp hàng năm đều đạt trên 90%. Năm 2010, 1 cán bộ của Viện được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và giải thưởng “Nhân tài đất Việt” về thành tích nghiên cứu khoa học, 1 cá nhân và 1 tập thể trực thuộc được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Viện cũng có nhiều hình thức tham gia vào các phong trào của địa phương như đóng góp Quỹ an ninh, quỹ vì người nghèo, ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam...Đảng uỷ và các chi bộ trực thuộc luôn dạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong các hoạt động của đơn vị, đặc biệt là công tác cán bộ. Các tổ chức quần chúng khác như công đoàn và đoàn thanh nhiên hoạt động tương đối sôi nổi, tham gia tích cực các phong trào do công đoàn và đoàn thanh niên cấp trên phát động. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì tốt, nhiều lần đoạt các giải thưởng trong các hội diễn của ngành và Bộ. Công đoàn thực hiệt tốt chức năng giám sát các hoạt động của chính quyền, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Lượt xem: 5984