Sau 15 năm góp phần làm thay đổi diện mạo khoa học Việt Nam, giờ đây NAFOSTED đang đứng giữa ngã ba đường: Tồn tại hay không tồn tại? Nếu tiếp tục tồn tại thì sẽ phải như thế nào và theo cách nào?
Tháng 6/2017, khi đến làm việc tại Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước lời chia sẻ của một nhà nghiên cứu trẻ ở đây “Tôi vừa có một đề tài được NAFOSTED phê duyệt. Mừng nhưng lo đến mất ngủ!”. Nhà nghiên cứu nào mà chẳng vui khi ý tưởng khoa học của mình được chấp thuận và cấp kinh phí, sao phải lo nhỉ? Trước câu hỏi này, anh giải thích “Việc nhận được tài trợ của NAFOSTED có nghĩa là đi kèm với nghĩa vụ ‘trả lại’ hai công bố ISI để nghiệm thu sau khoảng thời gian hai năm nghiên cứu. Tôi đang lo là liệu mình có thể có được bài báo tương lai của mình đúng thời điểm không”.
Không riêng nhà nghiên cứu trẻ ở Viện Khoa học vật liệu, rất nhiều đồng nghiệp đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp của anh được NAFOSTED tài trợ, hỗ trợ dưới nhiều dạng khác nhau, như tài trợ cho đề tài nghiên cứu, hỗ trợ tham dự hội thảo quốc tế, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài… Đây là một phần quan trọng trong nỗ lực Quỹ góp phần đảo chiều “chảy máu chất xám” ở Việt Nam.
Kể từ năm 2009, NAFOSTED, nơi có nhiệm vụ tài trợ/hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam, đã trao các khoản kinh phí, dù không hẳn dồi dào, ở các hạng mục khác nhau cho các nhà nghiên cứu trên khắp các vùng miền. So với các chương trình dành cho KH&CN do Bộ KH&CN quản lý trước đây, điểm khác biệt của NAFOSTED là được vận hành theo cơ chế quỹ và lược bỏ nhiều thủ tục hành chính, tài chính thông thường, giống cách thức hoạt động của các tổ chức tài trợ cho khoa học khác trên thế giới. Sự ra đời của NAFOSTED đã vạch ra một lằn ranh phân định giữa cơ chế quản lý cũ và mới, giữa môi trường khoa học không mấy quan tâm đến công bố quốc tế và môi trường khoa học coi đó như một chỉ dấu của sự nghiêm túc, cam kết hội nhập quốc tế từ một quốc gia đang phát triển, và hơn nữa, của việc nhà nước coi các nhà khoa học thực sự là một nguồn nhân lực quan trọng của quốc gia.
Nhớ lại sự kiện ra đời của NAFOSTED, giáo sư Ngô Việt Trung (Chủ tịch hội đồng ngành Toán học) trong phiên họp Quỹ ngày 15/8/2023, nói “Tôi may mắn được tham gia vào quá trình thành lập quỹ thời kỳ đầu. Một trong những tranh luận rất sôi nổi và có thể chia rẽ giới khoa học lúc bấy giờ là với các nghiên cứu cơ bản, có cần thiết phải có công bố quốc tế hay không? Và phải nói là ý kiến này cần phải công bố quốc tế lúc đó là thiểu số chứ không phải đa số trong các phát biểu trên dư luận lúc bấy giờ. Và lúc quỹ chưa đi vào hoạt động nhưng Bộ KH&CN lúc đó đã dũng cảm đi đến một quyết định mà theo tôi là táo bạo: đưa chuẩn công bố quốc tế vào nghiệm thu các đề tài khoa học. Điều đó đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo khoa học Việt Nam những năm gần đây”.
Trớ trêu, bầu sinh khí mới của khoa học Việt Nam mà NAFOSTED góp phần tạo ra từ 15 năm tồn tại, thể hiện qua các chỉ số công bố quốc tế đến việc thúc đẩy sự ra đời của nhiều quỹ tư nhân, hiện đặt chính Quỹ vào những cuộc tranh luận khác: làm thế nào để đánh giá chính xác chất lượng nghiên cứu? nên chấp nhận rủi ro như thế nào? liệu các tạp chí ISI có còn là một chỉ số quan trọng? chúng ta có nên chấp nhận các tạp chí open-access (mở), tại sao khoản tài trợ cho các postdoc lại quá nhỏ?…
Đằng sau những câu hỏi ấy còn là một nan đề khác: sự tồn tại lâu dài của NAFOSTED trong bối cảnh có các quỹ tư nhân cùng hoạt động tài trợ và trong bối cảnh chịu tác động của xoay vòng cơ chế tài chính, từ cơ chế quỹ sang cơ chế hạch toán. Tại sao vậy?
Một đột phá
Giờ đây, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết gần 20 năm trước, rất nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau tranh luận nảy lửa hàng năm trời. Tất cả chỉ để thuyết phục, vận động đồng nghiệp cũng như các nhà quản lý chấp nhận tiêu chí phải-có-công-bố-quốc-tế cho các đề tài khoa học tự nhiên do nhà nước tài trợ – một trong những thực hành mà các nền khoa học tiên tiến đều áp dụng. Và sau là đưa vào văn bản quy định công khai để bất cứ ai cũng phải tuân thủ.
Tuy nhiên, không đơn giản để một nếp văn hóa như thế được công nhận ở Việt Nam. “Dĩ nhiên là có phản đối và phản đối nhiều nhất là lực lượng thủ cựu, trong nội bộ những người ủng hộ cũng có phân hóa”, giáo sư Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nhớ lại. “Ngay cả trước khi thành lập Quỹ thì đã có những tiếng nói đòi cải cách, nhấn mạnh về công bố quốc tế, dẫn đầu trong đó là giáo sư Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển… Giáo sư Hoàng Tụy là nhà khoa học gạo cội người có tác phong thói quen công bố quốc tế từ lâu rồi, giáo sư Phạm Duy Hiển có nhiều bài viết phân tích số liệu so sánh rất ấn tượng về hiện trạng công bố quốc tế của Việt Nam và các nước trên nhiều diễn đàn, trong đó có Tia Sáng. Giáo sư Hoàng Tụy đã cổ vũ Tia Sáng, bên cạnh các diễn đàn khác, đăng các bài viết nối tiếp của tôi và các đồng nghiệp khác thuộc thế hệ trẻ hơn, tổ chức các cuộc hội thảo, nêu nên hiện trạng lạc hậu và tiêu cực để hướng tới cải cách”. Điều tưởng như bình thường lại trở thành bất thường trong môi trường khoa học Việt Nam lúc đó. “Ai cũng biết công bố quốc tế là hay nhưng chỉ trừ Viện Toán và một số người làm lý thuyết ở một số viện khác mới có được công bố thôi, chưa mấy ai làm được cả. Công bố rất khó vì nó không thành văn hóa khoa học ở Việt Nam, ngay cả những người ở nước ngoài về cũng thôi không công bố nữa, về nước là thôi, không ai thúc ép họ cả, không ai thấy có được quyền lợi từ đó cả”, ông cho biết.
Những cuộc thảo luận trên trên các trang báo Tia Sáng và các cuộc tọa đàm, hội thảo mà Tia Sáng góp phần tổ chức đã thúc đẩy khoa học Việt Nam vượt qua lằn ranh tồn tại an toàn, sức ì ngại thay đổi. “Tôi nghĩ quan trọng nhất với các nhà khoa học là vượt qua được một ngưỡng, tức là biết mình đi sai rồi, mình phải quay trở lại với cái đúng”, giáo sư Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) bổ sung. Sự trở lại với cái đúng đem lại thay đổi nội tại của chính họ. Ông nói “Lúc ấy còn trẻ, mình gặp gỡ nhiều nhà khoa học nước ngoài, thấy người ta cũng bình thường mà làm được thì sao mình lại không làm được. Anh muốn chứng minh sản phẩm mình làm chất lượng thì chất lượng ấy phải được thế giới đánh giá. Không nên đóng cửa khen nhau, tự khen nhau là điều nguy hiểm”.
Muốn gây dựng và duy trì một tiêu chí đánh giá nghiên cứu minh bạch như vậy cần có một cơ chế quản lý, một cơ chế đầu tư minh bạch. Gần 20 năm trước, cơ chế đó chưa tồn tại ở Việt Nam, thay vào đó là “cơ chế xin cho”. “Cơ chế ‘xin cho’ khiến những gì các nhà khoa học ‘xin’ được chủ yếu để duy trì cái viện, trường của mình thôi. Nếu không có nguồn kinh phí ấy thì gần như người ta không làm nghiên cứu, ‘xin’ được ít nào thì chia nhau để có việc làm chứ không phải để ra sản phẩm. Vì thế, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu rất thấp, khiến nhiều người vẫn bảo đề tài bỏ ngăn kéo, không đi vào cuộc sống”, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, thừa nhận.
Thay vào đó là cơ chế quỹ, một cơ chế tài chính tạo điều kiện cho các nhà khoa học có đề tài phê duyệt sẽ được cấp kinh phí ngay, không phải chờ đợi đến năm sau, nghiệm thu quyết toán hợp đồng một lần, không chỉ là “tách việc tài trợ cho khoa học khỏi cơ chế hành chính, quyết định không phải do một ông vụ trưởng, thứ trưởng nào đó mà do nội dung khoa học” như nhận định của giáo sư Trần Xuân Hoài mà sâu xa hơn, theo TS. Nguyễn Quân là thể hiện “sự tôn trọng và tin tưởng của nhà nước đối với những người làm khoa học”.
Việc thành lập NAFOSTED đi kèm với các đánh giá minh bạch đã tạo dựng ra một môi trường khoa học tương đối thông thoáng, công khai, minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế. Quan trọng hơn, sự cam kết của nhà nước qua mô hình quỹ khuyến khích các nhà khoa học làm việc. “Tôi nghĩ, trách nhiệm nâng cao một nền khoa học là trách nhiệm của nhà nước, không phân biệt Tây hay ta. Đừng nghĩ là quốc gia phương Tây mặc kệ khoa học. Với khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản, bao giờ cũng do nhà nước đầu tư, đừng nhầm lẫn mà bắt khoa học phải tự sống”, giáo sư Trần Xuân Hoài đúc kết.
Đột phá không đến sau một đêm nhưng nó đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo khoa học Việt Nam. Theo tài liệu của NAFOSTED, số lượng công bố từ đề tài do Quỹ tài trợ tăng trưởng mạnh ngay trong thời kỳ đầu đi vào hoạt động (2009-2011) và sớm chiếm hơn 60% công bố do các tổ chức Việt Nam tài trợ (2012-2014). “Trước đây mỗi năm Việt Nam chỉ có mấy trăm bài báo quốc tế nhưng từ khi quỹ đi vào hoạt động thì tăng rất nhanh. Đến bây giờ thì số lượng công bố quốc tế trên 30.000 bài trong khi ngày trước chưa đến 1.000 bài”, TS. Nguyễn Quân điểm qua các kết quả.
Nếp văn hóa hội nhập quốc tế hình thành, tác động đến cả hoạt động quản lý trong các trường viện. Đâu đâu người ta cũng nói đến ISI, Scopus, số lượng bài báo và coi như là tiêu chuẩn cao nhất của khoa học. Nhưng đấy cũng là điểm khởi sinh của một loạt vấn đề mới mà NAFOSTED đang phải hứng chịu hệ quả.
Giữa ngã ba đường
15 năm vật đổi sao dời, những chuyển biến trong lòng xã hội đã dẫn đến sự ra đời của một số quỹ tư nhân đầu tư cho khoa học – điều không tưởng ở 20 năm trước – với những khoản tài trợ vượt trội so với NAFOSTED cùng các quy định tài chính thông thoáng hơn. Mặt khác, năng lực hội nhập giúp các nhà khoa học Việt Nam có thể chạm đến nhiều quỹ quốc tế hơn và thậm chí, nhiều quỹ cũng ưu tiên dành một số chủ đề liên quan đến những vấn đề tồn tại của các quốc gia phát triển… Tất cả đã góp phần đem lại sự đa dạng tài trợ cho khoa học Việt Nam và môi trường khoa học Việt Nam khởi sắc theo nhiều cách.
Vì vậy, nếu xét về vị thế của nơi tài trợ cho khoa học cơ bản theo cơ chế quỹ thì NAFOSTED không còn độc tôn ở Việt Nam; và nếu xét ở sức ảnh hưởng trong khoa học Việt Nam thì vị thế của NAFOSTED ngày một khiêm tốn. Theo thông tin từ cuộc họp của NAFOSTED vào ngày 15/8/2023, số lượng công bố trên các tạp chí ISI từ các đề tài do Quỹ tài trợ so với bài báo của nhà khoa học Việt Nam và bài báo được tài trợ từ các tổ chức khác ở Việt Nam chỉ còn chiếm từ 10 đến 12%.
Tại sao từ chỗ là miền đất hứa của nhiều nhà nghiên cứu, NAFOSTED lại trở nên kém hấp dẫn, ngay cả khi ngày một nỗ lực gia tăng các hạng mục tài trợ? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng không thể chối bỏ được này. Tại hội thảo “Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao ở các trường ĐH” vào tháng 4/2023, giáo sư Huỳnh Văn Sơn, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng mức tài trợ cho đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ hiện đã lạc hậu, bởi “con số 950 triệu đồng/đề tài sẽ [khiến Quỹ] mất lợi thế cạnh tranh, không khuyến khích được người làm khoa học. Nếu xét ở lợi thế cạnh tranh thì hiện nay, đề tài cấp tỉnh đã rơi vào khoảng 1 đến vài tỷ là chuyện bình thường trong khi dù không được đầu tư ở mức tương đương, đề tài NAFOSTED lại có yêu cầu rất cao [về kết quả đầu ra là] công bố trên tạp chí uy tín, kể cả sản phẩm đào tạo. Điều này dần dần làm mất đi ý nghĩa của chương trình”.
Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề, ở mặt khác khi soi chiếu vào, người ta còn nhận thấy một thực tại nữa: số lượng các đề tài được tài trợ cũng giảm sút. “Năm nay chúng tôi mới đăng ký đề tài với Hội đồng khoa học ngành Toán với 50 đề tài mới. Lần trước chỉ có 50% đề tài là được phê duyệt thôi, lần này nghe chừng còn ít hơn vì [Quỹ] không có tiền”, giáo sư Phùng Hồ Hải (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) phát biểu tại hội nghị ngày 15/8. Một nhà khoa học giấu tên ở Viện Hàn lâm tiết lộ: đề tài ngành sinh học bị từ chối 60%, tài trợ 40%; ngành cơ học được hội đồng khoa học đề xuất 50% nhưng rồi chỉ được duyệt một nửa, nhiều đề tài có triển vọng cũng bị loại do thiếu kinh phí (tỉ lệ cắt giảm ở các hội đồng khác cũng tương đương).
Trong những năm đầu hoạt động, khi số lượng các nhà khoa học vẫn còn ở một mức độ nhất định và số hạng mục tài trợ vẫn còn khiêm tốn thì NAFOSTED còn có thể “liệu cơm gắp mắm” nhưng theo thời gian, sự gia tăng số người làm khoa học và hạng mục tài trợ thì kinh phí từ ngân sách nhà nước lại trở thành tấm chăn hẹp, không thể mãi tự co kéo được. Giáo sư Phùng Hồ Hải dẫn một ví dụ về chương trình hỗ trợ postdoc của Quỹ với mức lương 5 triệu đồng/tháng trong khi chương trình tương tự ở Viện Cao cấp về Toán (VIASM) ở mức đầu tiên là 15 triệu, bây giờ là 25 triệu đồng/tháng. “Cơ chế nhà nước đã có, tại sao Quỹ chỉ ở mức này?… Tài trợ thì phải đủ nếu không chỉ là cứu đói thôi”, anh thẳng thắn nêu “Vấn đề của Quỹ là phải có tiền. 300 tỷ đồng là quá ít, tiền ít thì không nói hay được. Ngân sách đang giảm thế mà năm nay lại động viên làm đề tài của Quỹ phải chất lượng?”.
Trong quá trình hoạt động của mình, chưa khi nào NAFOSTED nhận được đủ kinh phí như quy định. Ảnh: tapchitaichinh.vn
Hơn ai hết, các nhà khoa học hiểu được tình thế của Quỹ, nơi theo quy định trong Nghị định số 122/2003/NĐ-CP được cấp vốn năm đầu 200 tỷ đồng và cấp bổ sung hằng năm ít nhất bằng 200 tỷ đồng còn theo Nghị định số 23/2014/NĐ-CP thì ngân sách sự nghiệp KH&CN cấp vốn điều lệ cho Quỹ là 500 tỷ đồng và được bổ sung hằng năm để bảo đảm mức vốn ít nhất 500 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, chưa khi nào NAFOSTED nhận được đúng mức quy định, chưa nói đến việc đối với một quỹ quốc gia thì về lý thuyết phải tăng về quy mô tài trợ, hạng mục tài trợ và số lượng tài trợ…, như trao đổi của TS. Đỗ Tiến Dũng, nguyên giám đốc Quỹ. Bài “Cơ chế quản lý tài chính đối với các quỹ KH&CN cấp quốc gia”, xuất bản trên tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2020, cũng thừa nhận “Đối với Quỹ NAFOSTED, hằng năm ngân sách nhà nước chỉ cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ là 300 tỷ đồng (đạt khoảng 60% vốn điều lệ), chưa năm nào cấp đủ 500 tỷ đồng như quy định tại Nghị định số 23/2014/NĐ-CP”.
Câu chuyện vừa phải tập trung nâng cao chất lượng tài trợ, vừa phải bao phủ các nhu cầu của nền khoa học trong bối cảnh ngân sách chưa khi nào được cấp đủ là nghịch lý mà NAFOSTED đang phải đối mặt. TS. Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ “đời thứ tư”, không ngần ngại bộc bạch trăn trở “Nếu chúng ta quá tập trung vào chất lượng, nghĩa là chỉ tập trung vào các nhà khoa học kỳ cựu, có năng lực tạo ra sản phẩm tốt thì chúng ta lại phải bỏ rơi các nhà khoa học trẻ trong khi nói như các thành viên hội đồng thì nhà khoa học trẻ mới là lực lượng tương lai của khoa học Việt Nam…” Anh thừa nhận “Đây là một vấn đề rất mâu thuẫn, một mặt muốn thúc đẩy, nâng cao chất lượng, nâng cao tác động của sản phẩm đầu ra, nhưng một mặt cũng muốn nuôi dưỡng tạo cơ hội cho các nhà khoa học ở giai đoạn đầu sự nghiệp”. Cái hạn hẹp về kinh phí khiến người làm quản lý Quỹ phải đắn đo rất nhiều “Sẽ có mâu thuẫn là nếu tăng gấp đôi quy mô kinh phí cho từng đề tài lên thì lượng đề tài được tài trợ sẽ bị giảm đi một nửa, nghĩa là lượng những nhà khoa học được thụ hưởng sẽ bị giảm đi một nửa”.
Cả NAFOSTED lẫn các nhà khoa học đang đứng trước những lựa chọn mà quyết định nào cũng gây đau đớn. “Tôi cũng muốn tăng chương trình postdoc sao cho có thể hỗ trợ được các nhà khoa học trẻ ở khắp mọi miền, tôi cũng muốn tăng quy mô tài trợ cho các chương trình cơ bản. Chọn nhà khoa học tốt để tài trợ là đúng nhưng ở Việt Nam, khó đối diện vấn đề này một cách trực diện như ở các quốc gia phát triển”, TS. Phạm Đình Nguyên chia sẻ.
Sự nan giải lại còn được chồng chập thêm một khó khăn tình thế. Theo Luật Ngân sách mới, NAFOSTED phải lựa chọn giữa hai con đường: hoặc là quỹ tài chính ngoài ngân sách, nghĩa là chỉ được cấp vốn một lần và phải đảm bảo tiêu chí bảo toàn vốn; hoặc là đơn vị sự nghiệp công lập hưởng ngân sách nhà nước, nghĩa là để được cấp vốn hằng năm, NAFOSTED sẽ phải áp dụng cơ chế dự toán theo danh mục được đề xuất trước. Lựa chọn tồn tại vì khoa học cơ bản của NAFOSTED dẫu tạo cảm giác bình yên cho số ít nhà khoa học nhưng lại khiến phần lớn thấy bất an bởi cơ chế dự toán sẽ đi kèm với sự kiểm soát chặt chẽ đến chi li của các khung tài chính hiện hành. Phương thức quản lý tài chính “mới”, “nặng nề” được PGS. TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN-VN, thành viên Hội đồng Khoa học Trái đất và Khoa học biển, đề cập ngắn gọn “Việc chuyển từ cơ chế quỹ sang cơ chế dự toán có thể sẽ khiến rất nặng nề cho thời gian tới vì cơ chế quỹ khuyến khích sự sáng tạo [cho những người thực hiện] các đề tài của quỹ… Chúng ta đã mất bao nhiêu năm để có được cơ chế này rồi, bây giờ chúng ta phải quay trở lại bước khởi đầu”…
Trước muôn trùng thách thức
Khó khăn về mặt cơ chế chính sách mà NAFOSTED đang loay hoay tháo gỡ một cách vô vọng không ngờ là cú đẩy Quỹ rơi vào một thế khó khác: phải chứng minh được vai trò của mình trong việc thúc đẩy sự phát triển của khoa học Việt Nam. Việc đánh giá tác động như vậy thường thể hiện qua số lượng và chất lượng công bố. Khi Quỹ không thể so bì về số lượng thì phải tính đến vấn đề chất lượng. Vậy bằng cách nào Quỹ chứng minh được những bài báo là sản phẩm của đề tài do mình tài trợ đủ tốt và có chất lượng vượt trội, dẫu trong thâm tâm, các nhà khoa học đều cho rằng “trong số các đề tài ở Việt Nam, tốt nhất vẫn là NAFOSTED, dù có điều nọ điều kia” như nhận xét của giáo sư Phạm Đức Chính.
Đây là một thách thức đối với Quỹ trong bối cảnh bức tranh công bố khoa học của Việt Nam đã khác trước và hệ thống tạp chí quốc tế cũng khác trước, với trào lưu open access còn chưa ngã ngũ về chất lượng và sự biến tướng của một số tạp chí. Ở Việt Nam, mặt trái của cuộc chạy đua số lượng là sự nảy sinh rất nhiều hệ lụy bởi “khi thuần túy chạy theo chỉ tiêu về số lượng cũng đã sinh ra nhiều kiểu lách luật. Nhiều tạp chí rởm, tạp chí tự phong (chủ yếu do các đại học, viện nghiên cứu hay nhà xuất bản ma không được cơ quan nhà nước hay chuyên môn thừa nhận, và không có tên trong danh sách các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng hoặc lưu trữ phổ biến) sẵn sàng nhận đăng bài kém chất lượng để kiếm tiền”, như lưu ý của giáo sư Nguyễn Văn Chính (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN), người nhiều năm làm chủ tịch hội đồng khoa học Quỹ Ford Việt Nam, Quỹ Chương trình trao đổi nghiên cứu Đông Nam Á (SEASREP Foundation)… với Tia Sáng từ năm 2020. Sự lách luật đã dẫn đến hiện tượng mà theo các nhà khoa học là đăng bài trên tạp chí “ăn thịt”, “mua bán bài”, ‘trích dẫn ảo”…
Vậy cách nào để Quỹ chứng tỏ chất lượng của mình? Làm thế nào xây dựng được mô hình đánh giá chất lượng tốt hơn? Câu trả lời trước hết ở việc đánh giá chất lượng bài báo là sản phẩm của đề tài do Quỹ tài trợ giờ không chỉ thuần túy phụ thuộc vào các hạng mục ISI, xếp hạng tạp chí Q1, Q2… mà phụ thuộc rất nhiều vào sự công tâm của các hội đồng ngành, theo cách giáo sư Nguyễn Hải Nam (ĐH Dược Hà Nội) từng đề cập vào năm 2021. “Các chỉ số định lượng của tạp chí xuất bản công trình chỉ mang tính chất tham khảo, quan trọng nhất là giá trị và chất lượng khoa học. Nếu như chỉ dựa vào các chỉ số trắc lượng khoa học thì chúng ta không cần đến hội đồng khoa học nữa”.
Dẫu vậy, với NAFOSTED, việc duy trì một danh mục tạp chí để đánh giá cũng hết sức cần thiết bởi nó chính là tấm lưới lọc thô trước khi đưa sản phẩm tinh hơn đến tay hội đồng ngành. Là một trong những người tâm huyết với khoa học và quan tâm đến chất lượng tạp chí từ khi vấn đề này chưa được chú ý nhiều như hiện nay, giáo sư Phạm Đức Chính cho rằng, NAFOSTED vốn không quá nhấn vào số lượng bài như các nơi khác nên nhấn mạnh vào những tạp chí truyền thống chuyên ngành rộng có uy tín, khó đăng, một năm chỉ xuất bản vài trăm bài/năm… “Mình phải đặt ra cơ chế nào đó đủ sức khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam phấn đấu xuất bản bài trên trên tạp chí nổi tiếng khó đăng, ít người Việt Nam đăng được. Ví dụ ngành toán có tạp chí Inventiones Mathematicae mà trước giáo sư Ngô Việt Trung chưa ai ở Việt Nam đăng bài được bằng nội lực”, ông nói.
Nhưng thật khó khuyến khích được việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khi vẫn tồn tại những điểm tối trong bức tranh học thuật. Cách nào để NAFOSTED loại bỏ được những điểm tối ấy, ít nhất trong phạm vi của mình? Với nhiều nhà khoa học, không có cách nào khác là phải giữ được sự liêm chính khoa học, ít nhất như quy định về liêm chính nghiên cứu NAFOSTED ban hành vào tháng 2/2022. Sâu xa hơn, đó còn là “việc tạo ra một bầu không khí học thuật thực sự, tôn trọng ý tưởng và sự sáng tạo của nhà khoa học, đồng thời sự đánh giá một cách minh bạch dựa trên quan điểm học thuật” như gợi ý của giáo sư Nguyễn Văn Chính.
Một môi trường khoa học như vậy có phải quá xa với Việt Nam?
———–
Ý kiến các nhà khoa học
“Chúng ta có KH&CN, chúng ta phải nói rành mạch ra giữa khoa học cơ bản với ứng dụng theo nghĩa mọi người hiểu. Khoa học cơ bản nó đào tạo ra cái gì? Đầu tiên là nhân lực thì chúng ta phải nhấn mạnh vào yếu tố đào tạo. Chúng ta đang rất thiếu người, thiếu người ở trong đủ mọi ngành nghề, vậy thì khoa học cơ bản đầu tiên là phải đóng góp vào nguồn nhân lực. Vì vậy một đề tài phải làm được công việc đầu tiên là đào tạo, phải có kinh phí đủ để đào tạo được. Bây giờ đào tạo sau đại học từ thạc sĩ đến tiến sĩ, chúng ta phải đầu tư mới đào tạo được nhân lực. Nhân lực là vấn đề của 20 năm, 30 năm chứ không phải là vấn đề của năm năm hay một nhiệm kỳ. Nếu như ai hỏi ứng dụng của khoa học cơ bản là gì thì chính là đào tạo, đào tạo ra con người”.
GS. Phùng Hồ Hải (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN – VN)
“Sứ mệnh giai đoạn đầu của Quỹ rất xuất sắc trong việc tạo ra trào lưu nghiên cứu và công bố. Bây giờ trong thời gian tới, chúng ta tập trung vào các nghiên cứu xuất sắc, tập trung vào các nhà khoa học của chúng ta”.
TS. Nguyễn Quang Hưng – ĐH Việt Đức
“NAFOSTED hướng tới hỗ trợ nhà khoa học trẻ và cần dựa vào nhà khoa học trẻ. Bởi khi làm việc với các quỹ nước ngoài, tôi thấy các nhà khoa học lớn tuổi luôn có những cơ hội hơn hẳn nhà khoa học trẻ và ngay cả ảnh hưởng với hội đồng cũng hơn hẳn. Do đó, các quỹ quốc tế cũng phải dành các hạng mục nhất định cho các nhóm nghiên cứu trẻ”.
TS. Phạm Đình Nguyên (Giám đốc Quỹ NAFOSTED)
“Ở đây, tôi đề nghị luôn một đề xuất: những công bố xuất bản trong những tạp chí mới ra đời khoảng 15 năm trở lại đây mà bắt phải đóng tiền khi xuất bản bài thì chúng ta cương quyết loại khỏi danh sách tạP chí của quỹ. Cách 15 năm trước, chúng tôi thấy không thành vấn đề nhưng nay các tạp chí mà chúng tôi tạm gọi là tạp chí ‘ăn thịt’ ra đời rất nhiều. Tôi theo dõi các thống kê ở trên các cơ sở dữ liệu thì thấy rằng, lượng công bố quốc tế ở Việt Nam trên các tạp chí ‘ăn thịt’ như thế này là bùng nổ và bây giờ nó không phải chỉ ở những trường đại học nhỏ nữa mà lan ra khắp nhiều cơ quan nghiên cứu, thậm chí tôi nói là lan sang cả Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Nếu chúng ta không ngăn chặn điều này thì ảnh hưởng lớn nhất của dư luận xã hội đối với việc tài trợ của nhà nước đối với nghiên cứu cơ bản nó sẽ bị giảm. tôi rất lo cho sự tồn tại lâu dài của Quỹ vì thực tế vai trò của Quỹ trong cái hệ thống nghiên cứu khoa học của chúng ta về công bố quốc tế nó không còn to như ngày xưa nữa”.
GS. Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN – VN)
“Nhìn ra giới học thuật khoa học xã hội và nhân văn quốc tế, có thể thấy họ cũng không quan tâm quá nhiều đến chỉ số định lượng trong các cơ sở dữ liệu tạp chí như ISI/Scopus. Điều họ quan tâm hơn ở một công bố khoa học là quan điểm học thuật, nguồn tư liệu đưa ra công bố (lưu ý trong các sách, chương sách, chứ không chỉ riêng tạp chí) được cộng đồng học thuật, đón nhận, thảo luận và phản biện như thế nào, và có những nhà khoa học uy tín nào quan tâm đến chủ đề nội dung được công bố.
Khác với khoa học tự nhiên và công nghệ, hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn đều ít nhiều có liên quan trực tiếp đến chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội và các khía cạnh của cuộc sống hằng ngày nên khi công bố nghiên cứu của mình, các nhà khoa học quan tâm nhiều đến tác động xã hội của công trình. Họ mong đợi nghiên cứu của mình có nhiều người đọc, có ảnh hưởng đến giới làm chính sách hơn là đăng bài trên một tạp chí ISI/Scopus mà chỉ có những nhà nghiên cứu chuyên môn sâu quan tâm. Tôi đã nói chuyện với các nhà nghiên cứu ở các đại học danh tiếng, họ tỏ ra khá ngạc nhiên khi khoa học xã hội ở Việt Nam chỉ quan tâm xuất bản ở các tạp chí ISI/Scopus mà không đa dạng hóa việc công bố kết quả nghiên cứu của mình để nó đến được với công chúng, với độc giả đông đảo hơn là chỉ có dăm ba vị nghiên cứu chuyên sâu đọc. Nếu phải lựa chọn, họ sẵn sàng công bố kết quả ở những tạp chí hay hình thức xuất bản có tác động xã hội cao, nhiều người đọc hơn là một tạp chí ISI/Scopus”.
GS. Nguyễn Văn Chính (Đại học KHXH&NV- ĐH QGHN)
“Hiện tại, bức tranh tạp chí học thuật rất phức tạp. Có những tạp chí chuyên ngành hẹp hiện nay đăng tới vài nghìn bài một năm (tạp chí open access thì có tới cả hàng chục nghìn bài/năm) có các chỉ số IF và H cao chót vót nhưng người ta có thể đăng cả tá bài trong đó. Đây cũng là cái đích hướng tới để rao và mua bán bài, thao túng trích dẫn của các “mafia học thuật”. Do đó, để đối chọi với xu hướng tiêu cực sản xuất kỷ lục vài chục tới hàng trăm bài/năm, và lọt vào danh sách trích dẫn hàng đầu thế giới mà nhiều cơ sở tung hô, Quỹ nên nhấn mạnh vào các tạp chí truyền thống uy tín và khó đăng để hướng cộng đồng tới chất lượng công bố. Tôi cho rằng cần có các bảng thống kê và danh sách chi tiết để các cộng đồng, Hội đồng ngành tham khảo trong đánh giá và khen thưởng các kết quả khoa học. Khi bạn đã có được nhiều bài rồi thì hãy phấn đấu đăng được vào nơi khó đăng, như thế mới nâng được năng lực”.
GS. Phạm Đức Chính (Viện Cơ học- Viện Hàn lâm KH&CN – VN)
“Thứ nhất tôi thấy, chúng ta thuần túy không chỉ muốn có số lượng công bố quốc tế mà còn muốn có được những bài báo có chất lượng. Nhìn xa hơn, chúng ta còn muốn tạo dựng trường phái, tên tuổi, muốn tạo ra đột phá trong lĩnh vực của mình nhưng với đầu tư hiện nay của NAFOSTED thì chưa đủ. Đầu tư của quỹ dành cho các đề tài đâu đó chừng 40-50 ngàn USD trong vòng hai, ba năm cho một trưởng nhóm nghiên cứu, với nhóm nghiên cứu mạnh thì cùng lắm chỉ tăng gấp đôi. Vì vậy, chúng ta đừng chờ đợi một đột phá với thứ chúng ta thường nghĩ.
Tuy nhiên còn có một vấn đề nữa là nhà khoa học cần có sự thoải mái để sáng tạo, trong khi cơ chế quản lý tài chính chưa phù hợp triệt tiêu sự sáng tạo, nên có thể không làm được hoặc có thì hiệu quả cũng thấp. Tôi đề xuất nên có cơ chế phù hợp, tôi không thích từ đãi ngộ, vì vô hình trung xem nhà khoa học cao siêu quá, chúng ta chỉ cần tìm những cơ chế tài chính trả lương phù hợp, miễn là sau việc đầu tư ấy nó phù hợp để có được sản phẩm tốt.
Thứ hai, khi không còn niềm tin, nhà quản lý không còn tin các nhà khoa học nữa, hoặc niềm tin chỉ còn rất ít thì chúng ta thấy là có vấn đề. Theo tôi, chúng ta nên tạo cơ chế càng ngày càng gia tăng niềm tin vào các nhà khoa học, tất nhiên chúng ta không thể tin một cách không có cơ sở được, cần phải có sự xét duyệt chặt chẽ đầu ra đầu vào, các nhà khoa học có quyền thích làm gì thì làm nhưng chúng ta ở giữa, chúng ta cần dành cho nhà khoa học cái quyền cao hơn để họ có thể thực hiện tốt đề tài”.
GS. Phan Tuấn Nghĩa (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN)
“Với cơ chế hiện nay, việc nghiệm thu đề tài thì cần phải đạt nhưng tiêu chí ‘phải đạt’ này sẽ chỉ tạo điều kiện cho các nhà khoa học đề xuất vấn đề khoa học tương đối dễ làm để thực hiện cho nó đạt còn nếu vấn đề khoa học khó quá, dẫu nó tốt cho sự phát triển nhưng lại sợ không thành công”.
GS. Nguyễn Văn Tuyến (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
Nhóm PV ghi
Thanh Nhàn
Theo: tiasang.com.vn