Những nét khởi sắc trong nghiên cứu xây dựng văn hóa an toàn hạt nhân ở Việt Nam

Monday, 21/11/2011, 09:50

Văn hoá An toàn được coi là yếu tố nền tảng để đảm bảo an toàn cho các hoạt động khai thác sử dụng năng lượng hạt nhân của thế giới nói chung và của mỗi người nói riêng ở cả hai lĩnh vực: Năng lượng (điện hạt nhân) và phi năng lượng (sử dụng Lò phản ứng nghiên cứu, kỹ thuật hạt nhân và bức xạ ion hóa).

Việt Nam tham gia vào chương trình Hợp tác về Văn hóa An toàn hạt nhân của 9 nước trong khu vực là Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp  tác Hạt nhân châu Á (FNCA) lần thứ nhất  (1/1997) và lần thứ hai (1/1998) ở Úc; lần thứ ba (5/1999) ở Malaysia; lần thứ tư (9/2000) ở Trung Quốc; lần thứ năm (9/2001) ở Nhật Bản. Trong 5 năm đó sự tham gia của đại biểu Việt Nam vào Hội thảo nhằm mục tiêu chủ yếu là tiếp nhận thông tin, học tập kinh nghiệm của các nước đi trước trong khu vực và từng bước triển khai áp dụng cho các hoạt động thực tiễn ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân, cơ quan vận hành và sử dụng Lò phản ứng duy nhất của cả nước.

Hoạt động nghiên cứu, xây dựng Văn hoá An toàn hạt nhân ở Việt Nam đã được thúc đẩy, khởi sắc đáng kể từ giữa năm 2002 khi các nước trong khu vực quyết định chọn Việt Nam là nước đăng cai tổ chức Hội thảo lần thứ sáu về Văn hoá An toàn hạt nhân cùng lúc với việc xúc tiến chương trình nghiên cứu tiền khả thi đưa điện hạt nhân vào Việt Nam.
Một bước đi được coi là khá quan trọng trong lĩnh vực này là sự thiết lập mối quan hệ  hợp tác khoa học giữa các nhà khoa học của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu Con người của Trung tâm khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia.
Chuyên gia hai Viện đã trao đổi chia sẻ với nhau những thông tin có liên quan và cùng tìm thấy mối quan tâm chung về vị trí của con người Việt Nam, nền văn hoá Việt Nam trước ngưỡng cửa của thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước nói chung và nói riêng là trước nhiệm vụ bảo đảm an toàn trong sử dụng các công nghệ tinh vi, phức tạp có tiềm ẩn các nguy cơ như điện hạt nhân.

Sự tham gia tích cực của đại diện Viện Nghiên cứu Con người như một thành viên chính thức của Đoàn Việt Nam vào Hội thảo Văn hoá An toàn được tổ chức ở Đà Lạt vào giữa tháng giêng năm 2003 đã gây sự chú ý và được các đại biểu quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh, thừa nhận đây là một sáng kiến độc đáo của Việt Nam. Ở Hội thảo này cũng là lần đầu tiên các nước trong khu vực mở ra và thực hiện một chuyên mục mới cho chương trình nghị sự đó là khảo sát đánh giá trực tiếp (Peer Review) hoạt động quản lý vận hành khai thác sử dụng lò phản ứng nghiên cứu của nước đăng cai Hội thảo từ các khía cạnh, tiêu chí của Văn hoá An toàn. Như vậy Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và Viện Nghiên cứu Hạt nhân của Việt Nam là đối tượng  thử nghiệm đầu tiên cho hoạt động này của FNCA. Sự hài lòng của các đại biểu quốc tế chứng tỏ Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt, đã giới thiệu vấn đề một cách thẳng thắn cởi mở với sự cầu thị và thiện chí cao. Ngược lại đơn vị vận hành và tổ chức của nước chủ nhà cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu với tinh thần xây dựng, nhiệt thành của các đại biểu quốc tế.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2003, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã cho tổ chức và tiến hành hai Hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài  ngành, các nhà khoa học tự nhiên và xã hội để trao đổi về các khía cạnh liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn cho NMĐHN ở Việt Nam từ góc độ Văn hoá An toàn. Nhóm nghiên cứu chuyên đề này trước khi kết thúc năm 2003 cũng đã kịp hoàn thành Báo cáo tổng   hợp kết quả nghiên cứu của chuyên đề, trong đó trên cơ sở phân tích toàn diện các yếu tố nền tảng của Văn hoá An toàn đã sơ bộ đề xuất các nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu đảm bảo An toàn cho NMĐHN ở Việt Nam.

Có thể nói trong lịch sử hình thành xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân của các nước trên thế giới và trong khu vực chưa có một tiền lệ nào là trong những bước sơ khai hoạch định chương trình phát triển điện hạt nhân lại đưa ra xem xét các khía cạnh của vấn đề đảm bảo an toàn theo quan điểm toàn diện của Văn hoá An toàn. Phải chăng đây là bước đột phá của Việt Nam?

Cần nhấn mạnh rằng vì đó là công việc mới mẻ lại chưa có tiền lệ cho nên những kết quả nghiên cứu thu nhận được cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ những hình dung tổng quát ban đầu. Do vậy các nghiên cứu trong lĩnh vực này cần được triển khai tiếp tục trong thời gian tới.


 PGS-TS. Nguyễn Mộng Sinh

Viện Nghiên cứu Hạt nhân

(Thông tin KHCNHN số 1, 2004)

Lượt xem: 2561