Công nghệ nào cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam?

Monday, 21/11/2011, 00:00

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải - Tổ trưởng Tổ chỉ đạo quốc gia về phát triển điện hạt nhân (ĐHN) đã trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo tiền khả thi Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Nhân sự kiện này, Phóng viên Tạp chí Công nghiệp (PV) đã có cuộc trao đổi với TS Lê Văn Hồng, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xung quanh vấn đề lựa chọn công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên này ở Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

PV: Thưa ông, trong thời gian qua, nhiều công ty ĐHN của nhiều nước đã phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam, tổ chức triển lãm và hội thảo nhằm giới thiệu các loại công nghệ ĐHN, vậy xin ông cho biết tình hình phát triển và sử dụng công nghệ ĐHN trên thế giới hiện nay như thế nào?

TS Lê Văn Hồng: Trước hết tôi muốn nói rằng, sau hơn 50 năm phát triển, ĐHN đã chứng minh được tính khả thi về mặt kỹ thuật, tính cạnh tranh về mặt kinh tế và khả năng góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính vào môi trường. Chính vì vậy, ĐHN đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong cán cân cung cấp điện năng toàn cầu. Hiện nay, trên thế giới có 440 lò phản ứng năng lượng hạt nhân đang hoạt động tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, đáp ứng hơn 16% tổng nhu cầu điện năng của nhân loại. Đối với một số quốc gia như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... ĐHN trở thành cứu cánh và là một trong những nguồn điện chủ lực đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định, rẻ tiền, thúc đẩy kinh tế các quốc gia này phát triển trong thời gian dài và có hiệu quả.

Xét về mặt công nghệ, hiện nay, công nghệ lò phát triển rất phong phú và đa dạng. Hiện có trên 10 loại lò đang được sử dụng và nghiên cứu phát triển. Việc mỗi quốc gia sử dụng và phát triển loại lò nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là ý đồ chiến lược của mỗi quốc gia, sau đó là trình độ khoa học - công nghệ và khả năng tham gia của công nghiệp nội địa. Mặc dù số loại lò nhiều như vậy, nhưng đa số hoặc đã bị loại bỏ khỏi xu hướng phát triển, hoặc đang ở trạng thái thử nghiệm. Cho đến nay, thực chất chỉ mới có ba loại được công nhận là những công nghệ đã được kiểm chứng và được phát triển nhiều nhất, đó là lò phản ứng nước áp lực - PWR, lò phản ứng nước sôi - BWR và lò nước nặng - PHWR kiểu CANDU. Tỷ phần số lượng lò của các loại công nghệ như sau: Lò phản ứng nước áp lực: 60% (Pressurired Water Reactor - PWR+VVER), kế theo đó là Lò phản ứng nước sôi: 21% (Boiling Water Reactor - BWR), và cuối cùng là Lò nước nặng kiểu CANDU: 8% (Pressurired Heavy Water Reactor - PHWR), phần còn lại là các loại lò khác.

PV: Như ông vừa nói, công nghệ ĐHN trên thế giới hiện nay rất phong phú và đa dạng, vậy thưa ông, Việt Nam sẽ lựa chọn công nghệ nào cho nhà máy ĐHN đầu tiên?

TS Lê Văn Hồng: Lựa chọn công nghệ nhà máy ĐHN là một vấn đề rất phức tạp, bởi vì ngoài các yếu tố khoa học & công nghệ thuần tuý, lựa chọn loại lò còn bị ràng buộc bởi yếu tố kinh tế và tài chính. Hơn nữa, ý đồ chiến lược về nội địa hoá công nghệ ĐHN của mỗi quốc gia cũng đóng góp vai trò hết sức quan trọng. Đối với Việt Nam, lựa chọn công nghệ lò là bài toán "vừa dễ, vừa khó". Dễ, vì hiện trên thị trường có nhiều sự lựa chọn về cả công nghệ và đối tác, khó vì Việt Nam còn non yếu về mọi mặt trong Chương trình ĐHN, lại chưa mạnh về kinh tế - tài chính và tiềm lực khoa học và công nghệ.

Để lựa chọn công nghệ, trước hết ta phải thiết lập các tiêu chí xem xét lựa chọn, phải nghiên cứu kỹ công nghệ các loại lò để thiết lập được một cơ sở dữ liệu liên quan. Trên cơ sơ đó, vận dụng các tiêu chí để đánh giá và lựa chọn. Lựa chọn công nghệ phải đồng thời tính đến chuyện tiếp thu, tiến tới làm chủ công nghệ và tiếp tục phát triển công nghệ đó trên cơ sở chính sách chuyển giao công nghệ và tiến trình nội địa hoá. Kết quả đánh giá, lựa chọn ban đầu cho thấy, loại lò nước nhẹ bao gồm lò phản ứng nước áp lực – PWR và lò phản ứng nước sôi - BWR phù hợp hơn với ta, sau đó là lò nước nặng PHWR kiểu CANDU. Điều này cũng phù hợp với tình hình chung về việc sử dụng các loại lò này trên thế giới. Tuy nhiên, kết quả được lượng hoá cho thấy, cả 3 loại lò đều đạt điểm khá cao, sự chênh lệch không nhiều giữa 3 loại lò là tiền đề chắc chắn của việc thay đổi ngôi vị nếu như các tiêu chí lựa chọn có sự thay đổi về trọng số, ví dụ như tiêu chí nội địa hoá. Nếu Việt Nam có ý định mạnh mẽ về nội địa hoá ngay từ bước đầu của Chương trình ĐHN thì lò CANDU sẽ chiếm ngôi đầu bảng. Hoặc như trong tình hình nghèo nàn về vốn liếng như hiện nay, tiêu chí thu xếp tài chính lại trở thành quyết định.

Vì những lẽ nêu trên, trong giai đoạn đang còn tìm hiểu, nghiên cứu, chưa bắt buộc phải có sự lựa chọn cuối cùng về loại công nghệ lò, Việt Nam cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa về cả 3 loại lò, hợp tác với tất cả các nước đã có những thành quả và những kinh nghiệm quý báu trong xây dựng và thực thi Chương trình ĐHN. Chỉ có thông qua đó, Việt Nam mà trước hết là các cán bộ chuyên môn và các nhà quản lý mới có điều kiện để học tập chuyên môn, học tập quản lý, học tập kinh nghiệm và từng bước trưởng thành. Sự trưởng thành của các cán bộ chuyên môn và các nhà quản lý sẽ là nền tảng chắc chắn cho sự thành công của chương trình ĐHN ở Việt Nam.

PV: Thưa ông, ở trên ông có đề cập tới các tiêu chí để đánh giá và lựa chọn công nghệ nhà máy ĐHN, vậy xin ông cho biết các tiêu chí đó là gì?

TS Lê Văn Hồng: Để lựa chọn bất cứ một cái gì cũng phải có căn cứ, có sơ sở. Lựa chọn công nghệ nhà máy ĐHN cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Vì vậy, chúng tôi phải xây dựng căn cứ, xây dựng cơ sở hay cụ thể hơn là xây dựng các tiêu chí để dựa vào đó, chúng ta xem xét, đánh giá và lựa chọn loại công nghệ phù hợp nhất với các tiêu chí đề ra. Xây dựng các tiêu chí phải bao quát được đầy đủ các yêu cầu để xem xét lựa chọn công nghệ lò tốt nhất, đồng thời cũng phải thể hiện được quan điểm của chúng ta trong vấn đề này, trên tinh thần đó, chúng tôi xin đề xuất 10 tiêu chí chủ chốt như sau:

1. Mức độ phổ biến và thương mại hoá.

2. Các hệ thống công nghệ.

3. Các hệ thống đảm bảo an toàn.

4. Các chỉ tiêu chất lượng vận hành.

5. Bã thải phóng xạ và xử lý.

6. Chu trình nhiên liệu và cung cấp nước nặng.

7. Chuyển giao công nghệ và nội địa hoá.

8. Các chỉ tiêu kinh tế.

9. Vấn đề thu xếp tài chính.

10. Vấn đề quan hệ chính trị và thương mại.

Mỗi tiêu chí nêu trên lại được chi tiết hoá tối đa tới mức có thể và được lượng hoá để thuận lợi cho việc áp dụng trong xem xét, đánh giá các loại công nghệ và kết quả ban đầu đạt được như tôi đã nói ở trên.

Nguồn: Tạp chí Công nghiệp, 12/2005

Lượt xem: 3045