Hoàn thiện nửa thứ 2 của hệ thống che chắn mới ở địa điểm xảy ra tai nạn Chernobyl

Monday, 24/06/2013, 05:59

 Một vòm thép nặng 3800 tấn đang được lắp ráp ở địa điểm xảy ra sự cố Chernobyl, Ukraine, đây là một cột mốc quan trọng trong dự án xây dựng mới hệ thống che chắn (NSC) nhằm giam giữ phóng xạ sau sự cố xảy ra vào năm 1986.

Cấu trúc che chắn mới đang được xây dựng cho tổ lò số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

(Ảnh: http://www.theengineer.co.uk)

     Hệ thống che chắn mới (NSC) được thiết kế nhằm hạn chế sự rò rỉ phóng xạ từ địa điểm xảy ra sự cố Chernobyl (Ukraine, 1986) dưới tác động của thời tiết. Tổng chiều cao của vòm lên đến 110 m, rộng 250 m và dài 150 m. Sau khi hoàn thành, hệ thống NSC sẽ bao bọc toàn bộ tòa nhà chứa lò phản ứng bị hư hại của tổ lò số 4 nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, giống như một “hầm mộ” khổng lồ. Đây là một hệ thống kín khí nhằm bảo vệ sự phát thải phóng xạ ra môi trường, được trang bị các thiết bị điều khiển từ xa giúp các máy móc có thể di rời và loại bỏ những tàn tích phóng xạ. Tuổi thọ của hệ thống này được thiết kế là 100 năm.

     Do sự đồ sộ của công trình, NSC được chia thành 2 nửa để chế tạo và lắp ráp. Phần thứ nhất được hoàn thiện trong năm 2012. Ngay sau đó, phần thứ 2 được chế tạo, theo dự kiến, ngày 12/06/2013 sẽ bắt đầu lắp ghép hoàn thiện.

Nửa thứ nhất của NSC hoàn thiện vào tháng 10 năm 2012

(Ảnh: http://www.theengineer.co.uk)

Hình ảnh công nhân chuẩn bị dàn giáo và hệ thống chống đỡ phục vụ lắp ghép và hoàn thiện nửa thứ 2 của vòm chắn, ngày 12/06/2013 ở địa điểm xảy ra tai nạn Chernobyl (Ảnh: Chernobyl NPP)

     Dự kiến việc khớp nối 2 nửa được thực hiện vào cuối năm 2014 và trong năm 2015 sẽ tiến hành trang bị các cần trục, máy móc truyền vận để đặt vòm chắn vào tổ lò số 4. Toàn bộ cấu trúc che chắn này có khối lượng vào khoảng 31.000 tấn, che phủ toàn bộ tổ lò số 4 và 1 phần khoang chứa tuốc bin. Sau khi đặt NSC vào vị trí tổ lò số 4, các bức tường được xây dựng để gia cố và làm kín hoàn toàn hệ thống, hệ thống này giúp ngăn ngừa hữu hiệu sự phát thải của bụi bẩn và các mảnh vỡ chứa phóng xạ dưới ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, cấu trúc này không được thiết kế để che chắn phóng xạ: Liều lượng bức xạ gamma bên ngoài NSC sau khi hoàn thiện vẫn tương tư tình trạng hiện tại.

     Xảy ra cách đây 27 năm, ngoài những thiệt hại tức thì, tai nạn Chernobyl còn có rất nhiều ảnh hưởng lâu dài: Một vùng đất rộng lớn bị bỏ hoang, những chi phí khổng lồ để xây dựng công trình che chắn,… Đó là một bài học mà những quốc gia đang và sẽ sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ và tiểm ẩn nhiều nguy cơ, luôn luôn phải ghi nhớ!

Tổng hợp: Phạm Tuấn Nam, INST

Nguồn: World Nuclear News

 

Lượt xem: 4570

Các tin khác