Hợp tác giữa Tổ chức Khí tượng Quốc tế và Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện

Monday, 01/04/2013, 10:48

     Hệ thống ứng phó khẩn cấp kết hợp giữa Tổ chức Khí tượng quốc tế (WMO) và Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) được đưa vào vận hành tạm thời từ năm 2008 và đã hoạt động thành công với một cuộc thử nghiệm lớn trong tháng 3 năm 2011, đó là sự kiện tai nạn hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản. Theo WMO sự kiện tại Nhật Bản tháng 3/2011 là một thảm họa chồng chập, bao gồm một trận động đất rất mạnh, sóng thần tàn phá khủng khiếp, chất phóng xạ lan truyền trong khí quyển và đại dương và ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá đến các hoạt động cứu hộ, làm tăng thêm cảnh cùng quẫn của những người dân tại khu vực này. Quả thật, thực tế cho thấy duy chỉ có Nhật Bản, đất nước có một xã hội được chuẩn bị tốt, rất linh hoạt, bền bỉ khi đối mặt với những hiểm họa tự nhiên mới có thể chống chọi được với thảm kịch trên. Tai nạn hạt nhân tại Nhật Bản đã chứng tỏ sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa hai tổ chức này.

     Có thể nói WMO and CTBTO là hai tổ chức có đặc điểm tương đồng, cả hai đều có hệ thống quan trắc bao phủ khắp thế giới, có các trạm quan trắc nằm trên nhiều quốc gia và lưu trữ nhiều số liệu cho mục đích phục vụ dân sinh và nghiên cứu khoa học.  Hơn 2000 vụ thử hạt nhân đã thực hiện từ năm 1945 đến năm 1996 đã là một lý do xác đáng cho việc xây dựng một mạng lưới quan trắc quốc tế (IMS) mà hiện nay tổ chức CTBTO đang thực hiện và hoàn thiện để có thể phát hiện bất cứ vụ nổ thử hạt nhân nào thực hiện trên hành tinh.  Đối với WMO, từ giữa thế kỷ 17 một số hiệp hội khoa học đã thu thập số liệu khí tượng một cách tương đối có hệ thống để nghiên cứu các dạng thời tiết, khái niệm về quan trắc có sự điều phối mang tính quốc tế cần nhiều thời gian để phát triển, do có sự hạn chế về công nghê trước đây.

Các mốc lịch sử của ngành khí tượng từ năm 1654

     Mạng lưới khí tượng quốc tế đầu tiên được bá tước Ferdinand II của vùng Tuscany, khu vực miền Bắc nước Ý, thành lập vào năm 1654. Bảy trạm đã được xây dựng ở miền Bắc nước Ý và bốn trạm ở Warsaw, Paris, Innsbruck và Osnabruck. Năm 1780, dưới hình thức của một mạng lưới gồm 39 trạm, trong đó có hai ở Bắc Mỹ, được quản lý bởi hiệp hội Meteorologica Societas Palatina, đó là tên trước đây của Hiệp hội Khí tượng Mannheim. Mặc dù mạng lưới này chỉ tồn tại có 12 năm, nhưng đó là một bước tiến quan trọng vì mọi hoạt động quan trắc thời tiết được thực hiện theo tiêu chuẩn thực hành và sử dụng các thiết bị đã được kiểm chuẩn.

     Tuy nhiên, phải mất nhiều thập kỷ người ta mới tổ chức được Hội nghị Khí tượng Quốc tế đầu tiên ở Brussels, Bỉ năm 1853 và Đại hội Khí tượng Quốc tế ở Vienna, Áo năm 1873 để xây dựng cơ cấu điều hành cần thiết cho việc khởi động lại một cách thành công mạng quan trắc khí tượng quốc tế, thông qua việc thành lập Tổ chức Khí tượng Quốc tế (IMO), tiền thân của WMO, và sau này trở thành Tổ chức Khí tượng thế giới vào năm 1950 và chỉ một năm sau đã là một phần của Hệ thống Liên Hợp Quốc (LHQ). Ngày nay, WMO có 189 thành viên và chịu trách nhiệm về khí hậu, thời tiết và nước, tập trung vào các chương trình khoa học kỹ thuật để cung cấp các dịch vụ tối ưu cho tất cả các thành viên của WMO, đặc biệt là hỗ trợ về an toàn và sức khỏe của các nước thành viên, thông qua các cơ quan khí tượng và thủy văn quốc gia của các nước (NMHSs).

     Vào cuối những năm 1950, vệ tinh nhân tạo đã bắt đầu bay quanh hành tinh của chúng ta và nhanh chóng trở thành công cụ quan trắc khí tượng của WMO, cung cấp các thông tin bổ sung quan trọng thực sự có tính chất toàn cầu. Đồng thời, các siêu máy tính, được phát triển độc lập, đạt mức công suất cao đủ để thực hiện các phương pháp dự báo thời tiết số đã được đề xuất vài thập kỷ trước đó.

     Tầm quan trọng của hai sự phát triển độc lập trên đã được cộng đồng quốc tế công nhận thông qua Nghị quyết  của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1961 về việc sử dụng vũ trụ vì mục đích hòa bình, đề nghị tổ chức WMO sử dụng hai công nghệ mới này cho công tác quan trắc khí tượng. Được xây dựng trong năm 1963, chương trình Kiểm soát Thời tiết Thế giới (WWW) - cốt lõi của các chương trình của tổ chức WMO - kết hợp các hệ thống quan sát, thiết bị viễn thông và các trung tâm xử lý dữ liệu – do các thành viên của WMO vận hành - cung cấp thông tin khí tượng và môi trường liên quan cần thiết để phục vụ hiệu quả trong tất cả các nước. Cụ thể, chương trình WWW gồm có chương trình Hành động Ứng phó khẩn cấp (ERA) của WMO, hỗ trợ ứng dụng các kỹ thuật mô phỏng phát tán trong khí quyển để theo dõi và dự báo sự lan rộng toàn cầu của các loại vi hạt khác nhau trong khí quyển trong trường hợp khẩn cấp về môi trường, dựa trên cơ sở hạ tầng đang hoạt động của hệ thống dự báo thời tiết số do các Trung tâm Khí tượng chuyên ngành khu vực (RSMCs)  khác nhau của WMO vận hành trên toàn thế giới. 

Núi lửa hoạt động sẽ tạo ra các cột khói bụi gây nguy hiểm cho hoạt động vận chuyển hàng không và đưa vào khí quyển lượng lớn tro bụi.

Theo dõi sự phát tán phóng xạ sau tai nạn hạt nhân rất quan trọng.

     Kể từ khi vụ tai nạn hạt nhân tại Chernobyl, tổ chức WMO đã liên tục nâng cấp kế hoạch hành động của mình và tăng cường hỗ trợ cho các vụ tai nạn ở cơ sở hạt nhân. Việc theo dõi hiệu quả sự phát tán phóng xạ là rất quan trọng để đánh giá hậu quả của các tình huống đó.  Theo quan điểm của CTBTO thì một việc rất đáng làm là hệ thống cũng cần áp dụng tính toán ngược để tìm nguồn phát.

     Ngày nay, RSMCs của WMO hoạt động 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần, bao phủ toàn bộ hành tinh, cung cấp cho chính quyền và các nhà hoạch định chính sách các thông tin chính xác với khả năng tốt nhất có thể về gió và quỹ đạo, cũng như về lượng mưa tác động vào việc rơi lắng của chất phóng xạ  lên thành phố, các cánh đồng trồng trọt, khu nuôi cá và các khu vực quan trọng khác.

     Hệ thống này bao gồm một cổng viễn thông tại cơ quan Dịch vụ Khí tượng Quốc gia Đức (DWD) tại Offenbach để cung cấp thông tin theo thời gian thực, cụ thể cho Trung tâm khẩn cấp và Tai nạn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna. Do đó, sản phẩm chuyên ngành có thể bắt đầu được cung cấp cho IAEA trong khoảng thời gian ít hơn ba giờ khi chúng được yêu cầu. WMO cũng phối hợp rất chặt chẽ với Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) bằng cách giúp đỡ để ngăn các hãng hàng không thương mại bay vào bất kỳ khu vực có khả năng gây nguy hiểm, với Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) bằng cách hỗ trợ cảnh báo hàng hải, thiết lập các vùng nguy hiểm và cung cấp tin cảnh báo khí tượng có thể được truyền đi thông qua các hệ thống tự động đã xây dựng.

     Ngày 11 tháng Ba 2011, theo yêu cầu của IAEA, WMO đã kích hoạt Cơ chế ứng phó môi trường khẩn cấp cho châu Á, bao gồm ba Trung tâm Khí tượng chuyên dụng Vùng đặt  tại Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (Tokyo), tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và Obninsk (Liên bang Nga). Đối với các khu vực khác, các trung tâm liên quan nằm ở Exeter (Vương quốc Anh), Melbourne (Australia), Montreal (Canada), Toulouse (Pháp) và Washington (Mỹ).  Ba RSMCs liên quan liên tục phát các thông tin dự báo về sự phát tán vật liệu hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi cho đến khi không còn được yêu cầu nữa, trong khi 5 trung tâm khác thường xuyên cung cấp các biểu đồ phát tán để so sánh và xác nhận.

WMO và CTBTO phối hợp chặt chẽ suốt cuộc khủng hoảng hạt nhân tại fukushima

     Trong suốt quá trình tai nạn, WMO phối hợp chặt chẽ với tổ chức CTBTO và đồng thời hỗ trợ đặc biệt cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneva. Thực sự thì an toàn hạt nhân là vấn đề toàn cầu phục vụ lợi ích của tất cả cộng đồng, trường hợp khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã giúp hình dung tầm quan trọng của việc hợp tác giữa tất cả các tổ chức thích hợp của LHQ, bao gồm cả trong lĩnh vực thông tin đại chúng. 

Hình ảnh nhà máy điện Fukushima sau tai nạn: sự cố này đưa vào khí quyển lượng phóng xạ nhất định được CTBTO và WMO phối hợp quan trắc trong quá trình tại nạn.

     Ông Michel Jarraud, Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO)nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tăng cường các chương trình quan trắc khác nhau tại các cơ sở quan trọng. Hiện tại, CTBTO đang phát triển hệ thống kiểm chứng toàn cầu của mình để giám sát việc tuân thủ Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), gồm một mạng lưới các trạm quan trắc địa chấn, hạ âm, thủy âm và hạt nhân phóng xạ. Hệ thống này được thiết kế chủ yếu để phát hiện các vụ nổ hạt nhân và nó có thể nhận được số liệu từ các trạm đo thời tiết tự động (AWSs) của WMO đặt tại cùng địa điểm với trạm quan trắc. Tương tự như vậy, các trạm quan trắc hạt nhân phóng xạ đặt tại hoặc gần với các cơ sở hạt nhân đã được trang bị AWSs cũng thích hợp để đo các thành phần của khí quyển địa phương để đóng góp cho WMO. Trong trường hợp tai nạn hạt nhân, sự hiểu biết chính xác các thông số thời tiết địa phương sẽ góp phần vào việc kiểm soát và đánh giá tốt hơn, nhanh hơn bất kỳ sự phát tán hạt nhân phóng xạ nào.

     Ngoài ra, thay mặt cho WMO, ông Michel Jarraudcũng bày tỏ mong muốn hợp tác hơn nữa với tổ chức CTBTO trong nhiều lĩnh vực quan trọng, cụ thể là để bảo vệ cuộc sống và tài sản; bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc; bảo vệ sự an toàn trên đất liền, trên biển và trên không vì sự tăng trưởng kinh tế bền vững; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường, đặc biệt là cho các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn: trang Web CTBTO (http://www.ctbto.org)

Trung tâm dữ liệu quốc gia cho Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 2392