Sử dụng tiềm năng của hệ thống quan trắc CTBTO để cảnh báo sớm thiên tai

Tuesday, 12/04/2016, 00:00

       Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) đã tham gia tích cực vào Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ ba về giảm rủi ro thiên tai ở Sendai, Nhật Bản, từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 3 năm 2015.

       Sendai là thành phố lớn ở Tohoku bị thiệt hại nặng nhất bởi trận động đất và sóng thần ngày 11 tháng 3 năm 2011. Vào thời điểm đó, các trạm giám sát quốc tế (IMS) của CTBTO đã cung cấp dữ liệu gần như ngay lập tức cho trung tâm cảnh báo sóng thần của Nhật Bản. Sau khi tai nạn tiếp theo xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, mạng lưới quan trắc hạt nhân phóng xạ của CTBTO đã giúp đánh giá thành phần, nồng độ và sự phát tán trên toàn thế giới của các hạt nhân phóng xạ.

       Hội nghị là cơ hội để các chuyên gia về thiên tai của CTBTO gặp gỡ và nâng cao nhận thức về việc sử dụng tiềm năng của hệ thống quan trắc quốc tế để cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là việc phát hiện nhanh các trận động đất và núi lửa phun trào.

 

 Các trạm của hệ thống giám sát quốc tế (IMS) đang cung cấp dữ liệu để cảnh báo sớm sóng thần (chấm màu đỏ) và các nước tham gia (màu xanh lá cây).

       Cho đến nay, khoảng 100 trạm địa chấn của IMS cung cấp dữ liệu với thời gian trễ trung bình là 30 giây đến 14 trung tâm cảnh báo sóng thần tại 13 quốc gia.

       CTBTO cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận với các tổ chức quốc tế khác đang hoạt động trong lĩnh vực cảnh báo và giảm thiểu thiên tai, bao gồm Văn phòng Liên Hợp Quốc về giảm rủi ro thiên tai (UNISDR), Ủy ban Liên Chính phủ về Hải dương học của UNESCO (UNESCO-IOC), Văn phòng Liên hợp quốc về vũ trụ (UNOOSA), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cũng như của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan hàng không và không gian quốc gia Mỹ (NASA).

       Các đóng góp của CTBTO cũng đã được nhắc tới trong các cuộc hội thảo khác nhau, bao gồm cả các phiên họp về cảnh báo sớm và sử dụng các quan sát về Trái Đất và công nghệ cao để giảm thiểu rủi ro.

 Trung tâm dữ liệu quốc gia cho Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện,

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 2030