Hội thảo khoa học “Khuôn khổ pháp lý quốc tế về an ninh hàng hải và hạt nhân”

Friday, 15/04/2022, 00:00

Ngày 12/4/2022, tại Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến “Khuôn khổ pháp lý quốc tế về An ninh hàng hải và hạt nhân”. Đây là sự kiện đầu tiên nằm trong khuôn khổ hợp tác Chương trình xây dựng nền tảng hạ tầng cho việc sử dụng có trách nhiệm Công nghệ lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (Chương trình FIRST) trong đó tập trung cụ thể vào đối tượng nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP). Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có gần 50 chuyên gia và nhà quản lý đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư pháp. Về phía Hoa Kỳ có hơn 20 chuyên gia, học giả đến từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy ban Pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Mark Scheland, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: Hội thảo này nằm trong chương trình FIRST do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quản lý và điều phối nhằm giúp các quốc gia quan tâm đến Công nghệ lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR) cũng như các công nghệ lò phản ứng tiên tiến khác để đáp ứng nhu cầu năng lượng không phát thải Cacbon một cách an toàn, an ninh và hiệu quả. Việc đảm bảo an ninh và an toàn cho lò phản ứng SMR (bao gồm cả FNPP) nhằm hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị và ứng phó với các nguy cơ mất an toàn và an ninh có thể xảy ra từ hoạt động của các trạm điện hạt nhân nổi trên biển và xa hơn là đáp ứng mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu đã được lãnh đạo các nước cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị Chống biến đổi khí hậu toàn cầu tháng 11/2021 (COP26).

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Viện trưởng Viện NLNTVN, Tiến sĩ Trần Chí Thành cho biết: Hiện nay trên thế giới đang có xu hướng quan tâm mạnh mẽ đến các lò phản ứng mô đun nhỏ với các ưu thế mà công nghệ này mang lại. Với công suất nhỏ và được xây dựng dạng mô đun nên có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí xây dựng, vốn đầu tư nhỏ dễ tiếp cận dưới góc độ kinh tế, các lò phản ứng SMR có thể được đặt tại các vị trí mà không phù hợp với các lò phản ứng công suất lớn, thậm chí có thể di chuyển đến các khu vực khó tiếp cận lưới điện như vùng xa xôi, hải đảo (FNPP).

Công nghệ SMR cũng sẽ góp phần hỗ trợ đa số các nước đã cam kết cân bằng phát thải CO2 vào năm 2050/2060 tại Hội nghị COP26 bằng việc chuyển đổi cơ cấu điện năng, cụ thể là dần loại bỏ nhiệt điện than, giảm dần nhiệt điện khí và khí hóa lòng (LNG), đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, và xem SMR là nguồn điện sạch không phát thải và ổn định. Việt Nam cũng đưa ra cam kết cân bằng Carbon vào năm 2050, và đây là một thách thức lớn cho một đất nước đang phát triển, có mức tăng trưởng điện năng hàng năm cao, trong khi nguồn thuỷ điện cạn kiệt. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu từ tháng 2/2022 đã đẩy giá dầu và khí lên cao, đặc biệt là khí, đồng thời cho thấy an ninh năng lượng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hoa Kỳ và các nước Phương Tây đang loại bỏ hoặc giảm dần sự phụ thuộc vào dầu và khí của Liên bang Nga. Để thực hiện được mục tiêu này, năng lượng hạt nhân trong đó có SMR đóng một vai trò rất quan trọng.

Chuyên gia Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trình bày tại Hội thảo

Không thể phủ nhận những ưu điểm vượt trội của SMR nói chung và FNPP nói riêng. Tuy nhiên việc phát triển của FNPP cũng sẽ mang đến những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến an toàn, an ninh hạt nhân và an ninh hàng hải trong khi các công cụ pháp lý quốc tế liên quan tới an toàn hạt nhân còn hạn chế, việc hiểu và áp dụng các công cụ về an ninh hạt nhân và an ninh hàng hải còn nhiều tranh cãi do tính phức tạp ở cả khía cạnh pháp lý và kỹ thuật. Để nâng cao hiểu biết cũng như chuẩn bị các biện pháp ứng phó đối với vấn đề này, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức hội thảo giữa các chuyên gia, nhà quản lý và học giả của hai nước. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, học giả Hoa Kỳ trình bày vắn tắt về các vấn đề: Các Công cụ pháp lý và Công ước quan trọng về hạt nhân (An toàn hạt nhân; An ninh hạt nhân; Trách nhiệm pháp lý hạt nhân) và Các Công cụ pháp lý hàng hải và các Công ước quan trọng có ảnh hưởng đến Nhà máy điện hạt nhân nổi – FNPP (Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS); Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS); Mã hàng hóa nguy hiểm hàng hải quốc tế (IMDG); Bộ luật quốc tế về An ninh tàu và bến cảng (ISPS) và Tự do hàng hải và đi qua không gây hại.

Trong phần Thảo luận, các đại biểu đã đặt những câu hỏi liên quan đến vấn đề hợp tác để bảo vệ an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển của các FNPP khi vận chuyển từ các nước cung ứng sang các nước vận hành. Các đại biểu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực thi các khuôn khổ và các cơ chế hiện có. Trong đó, hợp tác giữa các quốc gia (cung ứng, vận hành và các quốc gia có liên quan) về vận chuyển vật liệu hạt nhân và ứng phó với các sự cố, rủi ro khi vận chuyển vật liệu hạt nhân được nhấn mạnh là đặc biệt quan trọng. Xây dựng lòng tin thông qua thực hiện Công ước SOLAS và Bộ luật quốc tế ISPS, vấn đề cấp phép an toàn, an ninh hạt nhân, xây dựng bộ luật dành riêng cho các FNPP… cũng được các đại biểu nhấn mạnh là những vấn đề cần quan tâm và nên được tiến hành đầu tiên. Ngoài ra, những Khả năng áp dụng các công cụ pháp lý quốc tế hiện có cho FNPP, những hoạt động trong khuôn khổ Chương trình FIRST năm 2022… cũng là những vấn đề được các đại biểu quan tâm và nhấn mạnh cần được đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong tương lai.

Nguyễn Thị Thu Hà, Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học

Nguồn: https://www.vinatom.gov.vn

Lượt xem: 6184
 
009bet