Hội thảo khoa học “TRUNG TÂM AN TOÀN HẠT NHÂN – 5 NĂM HOẠT ĐỘNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU”

Thursday, 04/10/2012, 10:22

     Trong khuôn khổ hoạt động hợp tác Nghị định thư " Hợp tác nghiên cứu phân tích, đánh giá an toàn nhà máy điện hạt nhân lò phản ứng nước nhẹ trong các điều kiện chuyển tiếp và sự cố nặng” giữa Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân và Viện Nghiên cứu năng lương nguyên tử Hàn Quốc (KAERI), đồng thời nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm (9/2007-9/2012), ngày 29 tháng 9 năm 2012, Trung tâm An toàn hạt nhân – Đơn vị thực hiện hợp tác Nghị định thư đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “5 năm hoạt động và định hướng nghiên cứu”. Tham dự hội thảo có T.S. Cao Đình Thanh, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), T.S. Trịnh Văn Giáp, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KHKTHN) cùng cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của 2 Viện. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật, Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ). Đặc biệt, tham dự hội thảo còn có T.S. Lê Văn Hồng, thành viên Hội đồng An toàn hạt nhân Quốc gia, nguyên Phó viện trưởng Viện NLNTVN, PGS. Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, T.S. Nguyễn Phú Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển và ứng dụng phần mềm công nghiệp (DASI - Đại học Bách khoa Hà Nội). Đông đảo cán bộ nghiên cứu của Trung tâm An toàn hạt nhân, Trung tâm Năng lượng hạt nhân (Viện KHKTHN) và Trung tâm DASI (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng có mặt trong hội thảo.

     Trong phiên làm việc buổi sáng, hội thảo đã nghe báo cáo tổng kết 5 năm hoạt động của Trung tâm An toàn hạt nhân. Với 02 cán bộ khi mới bắt đầu thành lập, đến nay Trung tâm đã có 13 cán bộ đang làm việc và học tập, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài. Một số hoạt động nổi bật mà Trung tâm đã tham gia thực hiện như tham gia các đề tài nhà nước, các đề tài hợp tác nghị định thư với Hàn Quốc, thẩm định dự án NMĐHN Ninh Thuận. Ngoài ra, Trung tâm cũng tham gia các hoạt động giảng dạy, đào tạo cho các trường đại học, tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Một số cán bộ hiện đang được đào tạo sau đại hoc, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.

     Định hướng nghiên cứu của Trung tâm về cơ bản đã sớm được xác định trong đề án thành lập và theo đề cương của đề án số 9 về nâng cao tiềm lực hỗ trợ kỹ thuật về an toàn hạt nhân. Các hướng nghiên cứu cơ bản bao gồm phân tích an toàn thủy nhiệt sử dụng các công cụ phần mềm từ các chương trình phân tích hệ thống như RELAP5 cho đến các công cụ CFD như FLUENT. Phân tích an toàn xác suất (PSA) cũng là một hướng nghiên cứu được duy trì. Các tính toán vật lý lò phản ứng, trong đó các phân tích động học lò phục vụ các phân tích an toàn thủy nhiệt cũng được từng bước tiếp cận. Hoạt động của mạng ANSN Việt Nam cũng được duy trì và thường xuyên có tư liệu được cập nhật. Trong thời gian tới Trung tâm cũng triển khai nhóm nghiên cứu về sự cố nặng và tích cực tham gia vào việc định hướng triển khai các nghiên cứu về thực nghiệm thủy nhiệt.

     Thông qua các báo cáo trình bày hoạt động và phương hướng tổ chức thực hiện các hoạt động sắp tới của nhóm phân tích an toàn (SATG) của mạng ANSN, bài học kinh nghiệm về xây dựng thực nghiệm phân tích an toàn thủy nhiệt của KAERI, hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận. Qua đó, cho thấy vai trò của hợp tác quốc tế là rất quan trọng trong việc triển khai các hoạt động của Trung tâm. Các kiến nghị về mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh các hợp tác giữa các đơn vị trong Viện Năng lượng nguyên tử Việt nam và các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước cũng được đặt ra.

     Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu đã được nghe ý kiến tham luận của T.S. Lê Văn Hồng, PGS. Trần Thanh Minh, T.S. Nguyễn Phú Khánh về các vấn đề cần quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, những vấn đề thông tin an toàn hạt nhân và ý kiến công chúng, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác Viện-Trường.

     Đánh giá cao những cố gắng của cán bộ trung tâm An toàn hạt nhân, các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân cũng  nêu rõ những thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức cần vượt qua trong thời gian tới.

     Trong phiên làm việc buổi chiều hội thảo đã nghe báo cáo của các cán bộ trẻ của Trung tâm. Một số kết quả bước đầu sử dụng FLUENT, phần mềm MELCOR trong một số bài toán phân tích an toàn.

     Thông qua hội thảo, nhiều vấn đề định hướng nghiên cứu về phân tích an toàn hạt nhân cũng như những khó khăn trong việc tổ chức thực hiện, đào tạo cán bộ, xây dựng và tổ chức thực hiện cũng đã được các đại biểu trao đổi.

     Hội thảo đã thành công tốt đẹp, các cán bộ trung tâm An toàn hạt nhân xin cảm ơn các ý kiến đóng góp quý báu, sự cộng tác của các đơn vị trong và ngoài viện và sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân.

                                                                    Lê Đại Diễn, Trung tâm ATHN

Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân

Lượt xem: 9010

Các tin khác