Bốn điểm mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Thursday, 03/01/2013, 15:29

    Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18.6.2012 và có hiệu lực thi hành từ 1.5.2013. Cùng với Luật Công đoàn (sửa đổi), bộ luật này đang được Tổng LĐLĐVN đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trong CNVCLĐ và các cấp CĐ. Công đoàn Viện KH&KTHN xin giới thiệu 4 nội dung mới đáng chú ý của BLLĐ (sửa đổi) mà người lao động cần biết.

1/ Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ: Từ 1.5.2013, LĐ nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng, thay vì 4 tháng như hiện nay. Trường hợp LĐ nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Nếu sinh tháng 1/2013 sẽ phải đi làm vào đầu tháng 5. Tuy nhiên, ngày 1/5 Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực nên chị em sẽ được nghỉ thêm 2 tháng.

Bộ luật Lao động sửa đổi quy định, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm một tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá hai tháng.

Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

Ngoài ra, trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 4 tháng. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định.

2/ Về độ tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động cụ thể: Bộ luật cho phép Chính phủ quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhóm lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác, làm cơ sở để trong tương lai điều chỉnh tổng thể tuổi nghỉ hưu.

3/ Về chính sách tiền lương: Có hai điểm đáng chú ý.

- So với trước, bộ luật làm rõ hơn khái niệm tiền lương và xác định tiền lương là giá cả sức lao động theo nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Mức lương sẽ được tính trên cơ sở thỏa thuận giữa người LĐ với chủ sử dụng LĐ, song vẫn có sự quản lý của Nhà nước thể hiện qua việc Nhà nước sẽ tổ chức Hội đồng Tiền lương quốc gia để công bố tiền lương tối thiểu. Căn cứ vào đó, chủ sử dụng LĐ và người LĐ thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động.

- Hội đồng Tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương. Chính phủ được giao quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hội đồng này.

4/ Về mức lương tối thiểu: Có ba nội dung đáng chú ý.

- Bộ luật quy định tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người LĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người LĐ và gia đình họ. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.

- Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

- Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong TƯLĐTT ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.

Lượt xem: 6100