Những điểm mới của Luật Viên chức 2012

Thursday, 03/01/2013, 15:29

     Ngày 15-11-2010, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Luật Viên chức số 58/2010/QH12. Luật Viên chức gồm 6 chương, 62 điều quy định về viên chức; quyền, nghĩa vụ của viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Luật Viên chức bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01-01-2012.

     Dưới đây là những điểm mới trong Luật Viên chức năm 2012.

1. Làm rõ khái niệm viên chức, hoạt động nghề nghiệp của viên chức

     Khái niệm viên chức: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”. Như vậy, đồng thời với việc Luật Cán bộ, công chức phân định “cán bộ” và công chức, Luật Viên chức cũng đã làm rõ được khái niệm viên chức, phân biệt viên chức với cán bộ và công chức. Sự khác biệt cơ bản của viên chức so với cán bộ, công chức, đó chính là chế độ tuyển dụng gắn với vị trí việc làm, thông qua chế độ hợp đồng làm việc và tiền lương được hưởng từ quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó "Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị -  xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý Nhà nước". Đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật Viên chức được chia thành hai loại, là đơn vị sự nghiệp công được giao quyền tự chủ và đơn vị sự nghiệp công chưa được giao quyền tự chủ. Lao động của viên chức không mang tính quyền lực công, chỉ thuần túy là hoạt động nghề nghiệp mang tính chuyên môn, nghiệp vụ, vì vậy, Luật Viên chức đã làm rõ: “Hoạt động nghề nghiệp của viên chức là việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về viên chức và các pháp luật có liên quan”.

2. Xác định các vấn đề chung nhất trong nghề nghiệp của viên chức và quản lý viên chức

     Luật Viên chức đã quy định các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức; các nguyên tắc quản lý viên chức phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam và tính chất, đặc điểm lao động của viên chức. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức, Luật Viên chức đã làm rõ các khái niệm cơ bản như vị trí việc làm, tuyển dụng, hợp đồng làm việc, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử. Đặc biệt là quy định về: “chức danh nghề nghiệp” thay cho quy định về “ngạch” để khắc phục các hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức hiện nay.

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức. Ngạch công chức bao gồm chuyên viên cao cấp và tương đương, chuyên viên chính và tương đương,  chuyên viên và tương đương, cán sự  và tương đương, nhân viên.

Theo quy định của Luật Viên chức, vị trí việc làm: Là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Còn chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong từng lĩnh vực ngành nghề hoạt động của viên chức. Để bảo đảm mọi chế độ, chính sách đối với viên chức phải căn cứ vào vị trí việc làm gắn với chức danh nghề nghiệp của viên chức.

Trên thực tế, viên chức làm việc trong các lĩnh vực cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho cộng đồng như y tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, thể dục, thể thao, giao thông công cộng... đều có các chức danh nghề nghiệp như bác sĩ, giáo viên, giảng viên, vận động viên, đạo diễn...những cụm từ chỉ chức danh tương ứng với nghề nghiệp của viên chức này trong một thời gian dài lại được quy thành các " ngạch" như đối với công chức. Có thể thấy quy định như vậy là không phù hợp với tính chất và đặc điểm lao động của viên chức, đã ít nhiều tạo nên sự hạn chế trong quản lý viên chức.Việc quy định vị trí làm việcgắn với chức danh nghề nghiệp theo quy định của Luật Viên chức đã khắc phục hạn chế đó. Việc xác định ai ở vị trí làm việc nào, thuộc chức danh nghề nghiệp nào sẽ được thể hịên trong hợp đồng lao động giữa viên chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp. Việc sử dụng khái niệm" chức danh nghề nghiệp" thay cho khái niệm" ngạch" đã thể hiện sự khác nhau giữa viên chức và công chức, nhằm phân định rõ nét đặc thù của viên chức là hoạt động trong lĩnh vực. 

3. Hoàn thiện và bổ sung các quyền, nghĩa vụ của viên chức

Viên chức là người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, các quyền và nghĩa vụ của viên chức cũng có những nội dung giống như cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, do tính chất, đặc điểm lao động của viên chức là hoạt động mang tính chuyên môn nghiệp vụ, nên Luật Viên chức đã quy định các quyền của viên chức theo hướng mở hơn so với cán bộ, công chức, tạo điều kiện để viên chức có thể phát huy tài năng, sức sáng tạo, khả năng cống hiến. Đó là quyền về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định. Bên cạnh đó, Luật Viên chức cũng đã hoàn thiện hệ thống các nghĩa vụ của viên chức (bao gồm cả những việc viên chức không được làm) phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của viên chức. Một số quyền mới được quy định tại Điều 14 (Quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoaì thời gian quy định):

Cụ thể như: được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức đơn vị khác mà pháp luật không cấm những phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã , bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Song song với việc quy định về quyền của viên chức, thì các quy định về nghĩa vụ của viên chức cũng được quy định phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của viên chức.

Nghĩa vụ của viên chức gồm nghĩa vụ chung, nghĩa vụ trong hoạt động nghề nghiệp và nghĩa vụ của viên chức quản lý, những việc viên chức không được làm.

4. Đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

Nếu như việc tuyển dụng công chức căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế thì với viên chức có sự khác biệt rõ nét. đó là căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghè nghiệp và quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong tuyển dụng, viên chức có thể được thực hiện theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Song đối với công chức cơ bản là thực hiện theo hình thức thi tuyển. Tuổi tuyển dụng viên chức quy định chung là phải đủ 18 tuổi trở lên. Song đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.Việc tuyển dụng, sử dụng và cơ chế quản lý viên chức theo chế độ việc làm, nhấn mạnh năng lực, tài năng bên cạnh phẩm chất, trình độ. Luật quy định về chế định hợp đồng làm việc gồm các quy định về các loại hợp đồng làm việc, nội dung và hình thức hợp đồng làm việc, chế độ tập sự và việc thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn  chấm dứt hợp đồng làm việc...

Một trong các nguyên tắc được nhấn mạnh để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức: “việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc”. Đây là nguyên tắc đặt nền móng để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức theo chế độ việc làm, nhấn mạnh năng lực, tài năng bên cạnh phẩm chất và trình độ. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định nguyên tắc bảo đảm quyền chủ động và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, góp phần đẩy mạnh cải cách khu vực dịch vụ công. Thống nhất quản lý nhà nước về đội ngũ viên chức, đẩy mạnh việc giao hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong quản lý viên chức.

        -  Kế thừa quy định về hợp đồng làm việc của pháp luật hiện hành, Luật viên chức đã hoàn thiện các quy định của chế định hợp đồng làm việc.

     -  Các nội dung quản lý viên chức cũng được hoàn thiện và đổi mới. Đáng chú ý là: việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện thông qua thi hoặc xét, lựa chọn hình thức nào tùy thuộc vào từng lĩnh vực ngành, nghề cụ thể; việc đánh giá viên chức được thực hiện căn cứ vào các cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký. Nội dung đánh giá gắn với kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ; tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân…; Việc khen thưởng, kỷ luật viên chức cũng được quy định phù hợp với đặc điểm của viên chức như: ngoài việc được khen thưởng theo quy định hiện hành thì viên chức có công trạng, thành tích đặc biệt còn được xét nâng lương vượt bậc bên cạnh hình thức nâng lương trước thời hạn. Viên chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

     -  Ngoài 4 hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và buộc thôi việc, viên chức bị kỷ luật còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. Quy định chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ công chức

     Do đặc thù của Việt Nam, giữa viên chức và cán bộ, công chức luôn có sự liên thông, chuyển đổi giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội. Vì vậy, Luật Viên chức có quy định các trường hợp cụ thể về việc chuyển đổi này. Đó là: (1) viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 5 năm trở lên thì được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển; (2) viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức đồng thời là quyết định tuyển dụng; (3) cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật Viên chức; (4) Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó thì được chuyển sang làm viên chức và được bố trí công việc phù hợp; (5) viên chức chuyển sang làm cán bộ, công chức hoặc ngược lại đều được bảo đảm các quyền lợi về chế độ, chính sách.

6. Quy định chuyển tiếp

     Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng.

     Viên chức được tuyển dụng từ ngày 1.7.2003 đến ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo quy định của Luật này.

Lượt xem: 22064
 
009bet