• Hợp tác - Đào tạo
  • Hợp tác quốc tế

Buổi làm việc và trao đổi với GS.Ser Gi Hong tại Viện KHKTHN

 Vừa qua, Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (Viện KHKTHN) đã có buổi làm việc và trao đổi với GS. Ser Gi Hong đến từ Khoa Kỹ thuật Hạt nhân, Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc. Tham dự buổi làm việc với GS.Ser Gi Hong có Ban Lãnh đạo Viện KHKTHN; ông Lê Đại Diễn, Phó Giám Đốc Trung tâm Đào tạo - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Lãnh đạo và các cán bộ của hai Trung tâm An toàn Hạt nhân, Trung tâm Năng lượng Hạt nhân - Viện KHKTHN và một số cán bộ đến từ các Trung tâm khác trong Viện KHKTHN.
       Đây là chuyến thăm đầu tiên của GS.Ser Gi Hong đến Viện KHKTHN với mục đích tìm hiểu tình hình phát triển ngành kỹ thuật hạt nhân và làm quen với các đồng nghiệp Việt Nam. Trong buổi làm việc đầu tiên, GS.Ser Gi Hong đã có bài giới thiệu về Khoa Kỹ thuật Hạt nhân tại Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc. Đại học Kyung Hee là một trong những trường đại học hàng đầu ở Hàn Quốc (đứng thứ 8 trong các trường đại học ở Hàn Quốc, thứ 37 ở châu Á, và thứ 264 ở trên thế giới theo xếp hạng của QS World University rankings năm 2016). Khoa Kỹ thuật Hạt nhân ở Đại học Kyung Hee được thành lập năm 1979 trong bối cảnh Hàn Quốc bắt đầu xây dựng các nhà máy điện nguyên tử và là một trong những nơi có kinh nghiệm lâu năm về đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân ở Hàn Quốc (cùng với Đại học Hanyang, Đại học Quốc gia Seoul, Viện Khoa học Và Công nghệ Tiến tiến Hàn quốc – KAIST, Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan – UNIST).

Trường Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc

       Trong lĩnh vực đào tạo về kỹ thuật hạt nhân, Đại học Kyung Hee  chia ra làm 2 hướng chính: hệ thống điện hạt nhân và các ứng dụng bức xạ. Hướng đào tạo hệ thống điện hạt nhân tập trung vào đào tạo kỹ thuật nhà máy điện hạt nhân và các công nghệ lò phản ứng tiên tiến cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Hướng đào tạo ứng dụng bức xạ tập trung vào đào tạo đo lường bức xạ và các kỹ thuật bức xạ tiên tiến dùng để ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị y học, sản xuất  đồng vị phóng xạ v.v. Đại học Kyung Hee cũng là trường đại học duy nhất ở Hàn Quốc có lò phản ứng nghiên cứu với công suất 10W để phục vụ mục đích đào tạo, đặc biệt gần đây được sử dụng để đào tạo trực tuyến trong chương trình đào tạo về lò phản ứng nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA. Theo GS. Ser Gi Hong thì các giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Hạt nhân, Đại học Kyung Hee, đặc biệt là các phòng thí nghiệm của GS. Myung-Hyun Kim và GS. Ser Gi Hong luôn sẵn sàng tiếp nhận các sinh viên nước ngoài đến học tập theo chương trình sau đại học để tham gia hỗ trợ thực hiện các dự án nghiên cứu, trong đó có các dự án về phân tích lò phản ứng hạt nhân.

       Giáo sư cũng cho biết về các hướng nghiên cứu đang được thực hiện ở phòng thí nghiệm do ông trực tiếp lãnh đạo, bao gồm: nghiên cứu về lõi lò PWR loại nhỏ sử dụng các chất hấp thụ cháy được để thay thế boron trong vận hành và kéo dài chu trình nhiên liệu (New Small Long-Cycle PWR Core using Particle Burnable Poisons for Boron-Free Operation); nghiên cứu các lõi lò nhanh làm mát bằng natri với chu trình nhiên liệu siêu dài sử dụng cấu hình blanket-driver-blanket dọc trục (New Ultra-Long-Life Sodium-Cooled Cores using Axial Blanket-Driver-Blanket Configuration); và thiết kế lõi lò PWR mô đun nhỏ sử dụng nhiên liệu FCM và chất độc cháy được BISO (PWR Small Modular Reactor Core Design using FCM (Fully Ceramic Microencapsulated) Fuel and BISO Burnable Poison).

       Trong buổi làm việc tiếp theo, đại diện Trung tâm Năng lượng Hạt nhân (TTNLHN), Viện KHKTHN đã giới thiệu với GS. Ser Gi Hong các hướng nghiên cứu của đơn vị trong giai đoạn 2017-2020, đồng thời thảo luận về khả năng hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực tính toán, phân tích vật lý lò phản ứng trong tương lai giữa Trung tâm  và phòng thí nghiệm của giáo sư. Ngoài ra, buổi làm việc còn có sự tham gia của TS. Trần Hoài Nam, một chuyên gia trong nước về lĩnh vực phân tích phần vật lý lò phản ứng, đến từ Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. TS. Trần Hoài Nam đã giới thiệu với GS. Ser Gi Hong các hướng nghiên cứu của nhóm mình về phần phân tích nhiễu trong lò phản ứng hạt nhân và phần thiết kế mới nhiên liệu sử dụng chất độc cháy được (burnable poison) cho lò phản ứng VVER-1000 của Liên bang Nga. Hiện nay TTNLHN đang hợp tác với nhóm nghiên cứu của TS. Trần Hoài Nam và các cán bộ khoa học của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt về tính toán, phân tích lò phản ứng hạt nhân với mục tiêu xây dựng một mạng lưới (network) nghiên cứu  công nghệ lò phản ứng hạt nhân ở trong nước nhằm đẩy mạnh chất lượng và số lượng các công bố trong và ngoài nước, đặc biệt là các công bố quốc tế đạt chuẩn ISI.

       Buổi làm việc với GS. Ser Gi Hong đã kết thúc tốt đẹp. Hai bên  thể hiện mong muốn có thể tiến tới hợp tác giữa Viện KHKTHN và Khoa Kỹ thuật Hạt nhân, Đại học Kyung Hee trong tương lai, cụ thể là khả năng gửi một số cán bộ trẻ có năng lực của Viện sang Đại học Kyung Hee Hàn Quốc theo học các chương trình sau đại học chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân trong thời gian sắp tới.

Phạm Như Việt Hà, Trung tâm Năng lượng hạt nhân

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Thông báo

Khách online: 0

Lượt truy cập: 85482