- Tin tức
- Tin tổng hợp
Các trạm quan trắc hạ âm của tổ chức CTBTO ghi nhận sóng hạ âm lớn nhất từ trước đến nay từ vụ thiên thạch nổ trên bầu trời nước Nga
Sóng hạ âm từ thiên thạch nổ tung trên vùng núi Ural của Nga vào tuần trước được hệ quan trắc quốc tế của CTBTO ghi nhận có cường độ lớn nhất từ trước đến nay. Hạ âm là âm thanh có tần số thấp, nằm trong khoảng nhỏ hơn 10 Hz. 17 trạm hạ âm trong mạng lưới của CTBTO đã ghi nhận được tín hiệu từ vụ nổ này.
17 trạm quan trắc của mạng quan trắc quốc tế của CTBTO ghi nhận được sóng hạ âm từ vụ nổ thiên thạch trên vùng núi Ural của Nga.
Thời điểm ghi nhận được sóng hạ âm từ vụ nổ này là khoảng 03:22 GMT (khoảng 10:30 sáng, giờ Việt Nam) ngày 15 tháng hai năm 2013. Mặc dầu con người không thể nghe được âm thanh tần số thấp phát ra từ sự kiện này, nhưng chúng được ghi nhận bởi mạng quan trắc của CTBTO, bao gồm nhiều trạm quan trắc được đặt rải rác tại các nơi trên thế giới.
Nhà nghiên cứu âm học, ông Pierrick Mialle cho rằng vụ nổ này rất lớn, tương đương với sự kiện tại Sulawesi, Indonesia vào tháng 10/2009. Các số liệu quan trắc được cho thấy đây là vụ nổ sao bang lớn nhất mà các trạm quan trắc hạ âm của tổ chức CTBTO ghi nhận được.
Ông Pierrick Mialle cũng cho biết rằng đây không phải là một vụ nổ cố định bởi vì có sự đổi hướng khi thiên thạch di chuyển về phía trái đất. Đó không phải là một vụ nổ đơn thuần, nó cháy, bay nhanh hơn tốc độ âm thanh. Vì thế chúng ta phân biệt được nó với vụ nổ khai thác mỏ hoặc núi lửa phun trào.
Kỹ thuật hạ âm là một trong 4 kỹ thuật được tổ chức CTBTO sử dụng để phát hiện các vụ nổ hạt nhân từ tháng 4 năm 2001 và dữ liệu từ các trạm quan trắc được truyền liên tục về Trung tâm dữ liệu quốc tế tại thủ đô Viên, Cộng hòa Áo để phân tích và cung cấp cho tất cả các quốc gia thành viên của Hiệp ước CTBT.
Hình ảnh sóng hạ âm và số liệu tính toán của Trung tâm dữ liệu quốc tế của CTBTO từ thiên thạch do trạm quan trắc của CTBTO đặt tại Kazakhstan ghi nhận được.
Việc ghi nhận được tín hiệu từ sự kiện thiên thạch này cho thấy sự hoạt động hoàn hảo và hiệu quả quan trắc cũng như khả năng đóng góp số liệu cho nghiên cứu khoa học của hệ thống quan trắc quốc tế của CTBTO. Trong thời gian tới các nhà khoa học trên toàn thế giới sẽ được sử dụng dữ liệu của CTBTO để hiểu rõ hơn về hiện tượng này và tìm hiểu thêm về độ cao, năng lượng tỏa ra và thiên thạch nổ như thế nào.
Trung tâm dữ liệu quốc gia cho Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân
Nguồn: CTBTO web page (http://www.ctbto.org)