- Tin tức
- Tin tổng hợp
Câu chuyện năng lượng hạt nhân của Hàn Quốc: Quá khứ và hiện tại
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, có một cậu bé luôn phải đặt một chiếc cốc làm bằng thép không gỉ vào ba-lô đi học mỗi buổi sáng. Chiếc cốc đó được dùng để đựng khẩu phần ăn mà Liên hợp quốc hỗ trợ cho quốc gia nghèo đói của cậu. Còn bây giờ, chính cậu bé đó đang đứng trên bục giảng của trại hè World Nuclear University Summer Institute, với tư cách là một giảng viên giàu kinh nghiệm, giáo sư Jaekyu Lee, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của mình về năng lượng hạt nhân với hơn 100 thính giả tới từ 40 quốc gia. Và đất nước Hàn Quốc của ông đã vươn lên nhóm 10 quốc gia thương mại lớn nhất thế giới. Bài viết nhìn lại sự phát triển của Hàn Quốc với một trong những động lực chính là năng lượng hạt nhân.
Vào năm 1960, Hàn Quốc có GDP trên đầu người thấp hơn 100 USD, là một trong 10 quốc gia nghèo nhất thế giới. Khi đó, đất nước này đã thất bại trong việc đảm bảo tín nhiệm để vay 30 triệu USD. Khoản vay cần thiết để xây dựng một nhà máy phân bón, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, chống chịu lại nạn đói sau 3 năm chiến tranh và 36 năm đô hộ.
Hàn Quốc vào những năm 1960 (Ảnh: world-nuclear-news.org)
Khoảng 35 năm sau, vào năm 1996, quốc gia này trở thành thành viên của của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Năm 2010 lọt vào 10 quốc gia có thương mại lớn nhất thế giới. Người ta gọi đó là một phép màu, phép màu phát triển kinh tế bên bờ sông Hàn.
Vậy đâu là yếu tố tạo ra phép màu đó?
Vào năm 1980, quốc gia nhỏ bé này vật lộn với việc phát triển kinh tế mà không có những nguồn lực tự nhiên như dầu mỏ, khí đốt hay than đá, sự thúc đẩy mạnh mẽ trong nội tại bắt nguồn từ công nghệ hạt nhân. Ở thời điểm đó, năng lượng hạt nhân là con số 0 ở quốc gia này, nhưng sau đó đã vươn mình để trở thành một trong những nhà xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Hiện tại, 4 tổ lò được thiết kế bởi quốc gia này, công nghệ APR1400 đang được xây dựng tại Barakah, UAE. Người ta gọi câu chuyện đó là một huyền thoại trong quá trình phát triển công nghiệp hạt nhân toàn cầu, và là một mô hình mẫu mực cho quá trình làm chủ công nghệ hạt nhân.
Nhưng đột nhiên tất cả được bao phủ bởi một cuộc tranh cãi khốc liệt về tương lai của năng lượng hạt nhân, nguyên nhân là sự cố nhà máy điện Fukushima-Daiichi, Nhật Bản, 2011. Rủi ro từ các nhà máy điện hạt nhân khiến các nhà chức trách Hàn Quốc xem xét lại chính sách điện hạt nhân. Và nguy cơ hiện hữu là không tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân. Cùng với đó, có thể kéo theo khả năng mất đi vị trí thương mại trong tốp đầu thế giới, “sau nhiều năm nỗ lực và thành công có thể bị bỏ đi như một chiếc áo khoác cũ kỹ mà không hề tiếc nuối”.
Tập đoàn Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc quyết định dừng xây dựng các tổ lò Shin Kori số 5 và 6 vào tháng 07/2017, sau khi Tổng thống Hàn Quốc, ông Jae-in Moon chỉ thị tạm thời đưa điện hạt nhân ra khỏi chương trình năng lượng của Hàn Quốc. Khoảng 1,6 ngàn tỉ won (1,4 tỉ USD) đã được sử dụng để chi trả cho việc xây dựng các tổ lò Shin Kori số 5 và 6, đạt khoảng 30% khối lượng công việc.
Ông Paik Un-gyu, bộ trưởng mới của bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, ủng hộ chính sách năng lượng của chính quyền tổng thống Moon, trong cuộc họp báo đầu tiên sau lễ nhậm chức của mình. Ông phát biểu “Chính phủ đã thông qua chính sách phi hạt nhân, phi than đá, được chuẩn bị thực hiện nhờ lộ trình kéo dài tới 60 năm”, ông cũng chỉ ra những mối lo ngại trong chính sách không sử dụng năng lượng hạt nhân. “Chúng ta sẽ phải thực hiện việc lấy ý kiến dân chúng về dự án Shin Kori số 5 và 6, nhưng chắc chắn rằng sẽ không xây dựng thêm một nhà máy điện hạt nhân nào khác”. Tuy các tổ lò số 5 và 6 tại Shin Kori đã được tái khởi động vào tháng 10/2017 sau khi có kết quả trưng cầu dân ý trên toàn quốc, nhưng tổng thống của nước này thêm một lần nữa khẳng định rằng sẽ không có những nhà máy điện hạt nhân mới được xây dựng.
Trong bối cảnh đó, những người như ông Jaekyu Lee luôn có những trăn trở: Những ngày tháng đó luôn trong trái tim tôi, vì người mẹ thân yêu của tôi đã từng nói với tôi vào mỗi buổi sáng, khi đặt chiếc cốc làm bằng thép không gỉ vào trong ba lô của tôi rằng “Con trai yêu quý, hãy luôn mở lòng! Hãy công bằng, không thiên vị, và tự hào về bản thân mình!”. Có lẽ chỉ có những người đã từng trải qua những tháng năm cơ cực đó tại Hàn Quốc, và nỗ lực đưa đất nước này vươn lên như ngày nay mới thấu hiểu được việc chấp nhận những rủi ro của năng lượng hạt nhân để đổi lấy động lực thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ. Đó cũng là bài toán mà các quốc gia đang có chính sách phát triển điện hạt nhân cần phải giải quyết.
Phạm Tuấn Nam - TTNLHN (lược dịch)
Nguồn: http://www.world-nuclear-news.org