• Tin tức
  • Tin tổng hợp

Chuyến thăm Obsnink của Bác Hồ và ngành hạt nhân Việt Nam

Có những ngành, những lĩnh vực khoa học Việt Nam mà quá trình hình thành gắn liền với các sự kiện quan trọng của đất nước. Năng lượng nguyên tử cũng nằm trong số đó, khi những manh nha đầu tiên cho ngành được gợi ý từ chuyến thăm và làm việc tại Liên Xô từ ngày 12 đến 19/7/1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng D.I. Blokhintsev (ngoài cùng bên phải), người thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân Obsnink, và E. P Slavsky, Bộ trưởng Bộ Chế tạo máy cỡ trung bình Liên Xô (đội mũ trắng). Nguồn: Rosatom.

Một năm sau Hiệp định Geneve, đoàn đại biểu đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã đến thăm đất nước Xô viết. Đây là chuyến đi mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hai quốc gia như trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với hãng thông tấn Pháp AFP: “Lãnh đạo Việt Nam tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô, nhân dân Việt Nam sẽ chữa lành những vết thương chiến tranh và tái thiết cuộc sống hòa bình”.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam đã tới thăm, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm tại nhiều nhà máy, viện bảo tàng, trường đại học ở các trung tâm văn hóa, kinh tế và giáo dục của Liên Xô thời đó, như công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Angar, Nông trường Dzerzhinsky, Hợp tác xã “Theo con đường của Stalin” ở tỉnh Irkutsk; Bảo tàng Địa chất học, Nhà máy chế tạo máy hạng nặng Ural (Uralmash) tại thành phố Sverdlovsk; trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow, Triển lãm nông nghiệp toàn Liên Xô tại thủ đô Moscow; Nhà máy điện hạt nhân Obsnink tại tỉnh Kaluga… Mỗi công trình đều đem lại nhiều gợi ý về công cuộc “tái thiết cuộc sống hòa bình” cho Việt Nam.

Theo giáo sư GS, TS Demidov Valery Viktorovich (Trường Quản lý Siberia, Học viện Kinh tế Quốc dân và Công vụ Nga), ThS.  Cao Duy Tiến (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), sau chuyến đi này, đất nước đã tiến hành “khôi phục, xây dựng 25 cơ sở công nghiệp và công ích, trong đó có Nhà máy thiếc ở Cao Bằng, Nhà máy cơ khí ở Hà Nội, Nhà máy cá hộp ở Hải Phòng v.v..” cũng như gửi các đoàn cán bộ, sinh viên đào tạo trong nhiều lĩnh vực tại Liên Xô.

Trong số các điểm đến tại Liên Xô, Obsnink, nhà máy điện hạt nhân nối lưới điện quốc gia đầu tiên trên thế giới, nơi xứng đáng với tên gọi “thành phố khoa học” ở thành phố Obsnink, Kaluga, là một điểm đặc biệt không chỉ với đoàn lãnh đạo Việt Nam mà còn với các đoàn lãnh đạo nhiều chính phủ trên thế giới với những tên tuổi như J. Nehru (Ấn Độ), A. Sukarno (Indonesia), Kim Il Sung (Triều Tiên), Josip Broz Tito (Nam Tư)… cũng như nhiều nhà khoa học lớn đương thời như Juliot Curie, F. Perrin (Pháp), Homi Bhabha (Ấn Độ), G. Seaborg (Mỹ)… Trong “Bài học và di sản của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới”, L.A. Kotcheikov – nhà vật lý kỹ thuật từng đảm trách nhiều chức vụ tại Nhà máy điện hạt nhân Obsnink, trong đó có vị trí kỹ sư trưởng – ước tính trong vòng 20 năm vận hành đầu tiên, nhà máy đã đón tiếp 60.000 vị khách, trong đó có 9.000 khách quốc tế.

Bản thân sự tồn tại của nhà máy điện hạt nhân Obsnink đã là một niềm tự hào của nền khoa học Xô viết và báo hiệu cho sự phát triển của ngành công nghệ hạt nhân Nga sau này. Từ một nơi hẻo lánh với vài chục nóc nhà bằng gỗ kiểu Phần Lan, những phòng thí nghiệm nghiên cứu về vật lý hạt nhân, phát triển các phương pháp phân tách đồng vị phóng xạ, phát triển các thiết bị đo đạc phụ trợ… được thành lập vào những năm 1940 đã đưa nó trở thành một trong những “tiền đồn” của khoa học hạt nhân Liên Xô.

Cũng như Dubna, Obsnink quy tụ nhiều tài năng của khoa học Nga và nhiều người đã trưởng thành từ đây dưới sự dẫn dắt của nhà vật lý lý thuyết và thực nghiệm Dimitri Ivanovich Blokhintsev, người được Igor Kurchatov chọn vào đội ngũ các nhà khoa học thực hiện chương trình phát triển khoa học hạt nhân Liên Xô. Thông qua phòng thí nghiệm số V tại Obsnink, nơi thiết kế nhiều loại công nghệ lò phản ứng với chất tản nhiệt là nước nặng, nước nhẹ, beryllium, nghiên cứu uranium tự nhiên, uranium được làm giàu…, Blokhintsev đã trực tiếp thiết kế và xây dựng nhà máy Obsnink, chứng kiến nó đạt tới trạng thái tới hạn đầu tiên vào ngày 6/5/1954 và nối lưới điện vào ngày 27/6/1954.

Sau đó, ông trở thành Giám đốc đầu tiên của Viện nghiên cứu liên hợp hạt nhân Dubna, thành lập vào ngày 26/3/1956 mà trong đó, Việt Nam là một trong số 18 thành viên sáng lập và GS Lê Văn Thiêm là đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Dubna trong thời kỳ đầu.

Trong chuyến thăm Nhà máy điện hạt nhân Obsnink của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đích thân Blokhintsev và Ephim Pavlovich Slavsky, Bộ trưởng Bộ Chế tạo máy cỡ trung bình Liên Xô (Bộ phụ trách ngành công nghiệp hạt nhân), một trong những người chỉ đạo chương trình phát triển hạt nhân Xô viết và tạo điều kiện cho Igor Kurchatov thực hiện những nhiệm vụ đầu tiên ở Phòng thí nghiệm số 2 của Viện Hàn lâm Khoa học Nga – cơ sở để ông thiết kế, lắp đặt máy gia tốc hạt đầu tiên, hoàn thiện, hạ thủy tàu Lenin, tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô, và nhiều nhiệm vụ khác… tháp tùng đoàn, giới thiệu về những tiềm năng to lớn của từ những ý tưởng cơ bản về chuỗi phản ứng uranium, khái niệm lò phản ứng hạt nhân mà Kurchatov và người cộng sự Georgy Flyorov khám phá từ năm 1939. “Hạt nhân không phải là một chiến binh mà là một người thợ”, câu nói của Kurchatov đã được thể hiện rõ nét trong ứng dụng của năng lượng nguyên tử ngay tại Nhà máy Obsnink này.

Những ấn tượng từ chuyến thăm Obsnink của Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc hẳn đã mở ra những gợi ý về cơ hội phát triển một lĩnh vực mới cho Việt Nam. Cả PGS. TS. Nguyễn Mộng Sinh (nguyên Viện Phó Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) và TS. Võ Văn Thuận (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân) đều nhớ lại, chỉ một năm sau khi Viện Dubna được thành lập, một đoàn cán bộ trẻ Việt Nam gồm ba người là Nguyễn Đình Tứ, Dương Trọng Bái và Nguyễn Hữu Công đã được cử sang Dubna học tập.

Tham gia Phòng thí nghiệm Năng lượng cao Veksler và Baldin (VBLHE), ông Nguyễn Đình Tứ đã gặt hái được rất nhiều kiến thức hữu dụng về vật lý hạt nhân thực nghiệm. Kể từ đó, nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu vật lý hạt nhân, vật lý lý thuyết Việt Nam như Nguyễn Văn Hiệu, Phạm Duy Hiển, Cao Chi, Võ Thị Hồng Anh, Đào Vọng Đức, Đoàn Nhượng, Ngô Quang Huy, Trần Thanh Minh, Nguyễn Tắc Anh, Nguyễn Mộng Sinh, Võ Văn Thuận, Lê Hồng Khiêm… đã học tập dưới sự hướng dẫn trực tiếp của nhiều nhà khoa học lớn. Ví dụ, giáo sư Phạm Duy Hiển làm việc tại Phòng thí nghiệm Các phản ứng hạt nhân Flerov (FLNR) và được chính giáo sư Georgy Flyorov – người được đặt tên cho nguyên tố 114 và đặt tên cho phòng thí nghiệm này, dẫn dắt.

Khi về nước, họ đã trở thành những người đặt nền móng và tham gia xây dựng ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong đó GS, TS. Nguyễn Đình Tứ là Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đầu tiên và GS, TS. Phạm Duy Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, là người đóng vai trò quan trọng trong khôi phục, triển khai các nghiên cứu, ứng dụng trên lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt – lò phản ứng được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá là cơ sở nghiên cứu được khai thác hiệu quả bậc nhất tại các quốc gia đang phát triển./.

 Thanh Nhàn, Tạp chí Tia Sáng

Thông báo

Khách online: 0

Lượt truy cập: 68130