• Hợp tác - Đào tạo
  • Hợp tác quốc tế

Diễn đàn hạt nhân châu Á - cơ hội hợp tác của VN

Việt Nam đã chuyển giao cho Philippines giống đậu tương chịu hạn, năng suất cao, nhận từ Thái Lan các giống phong lan có khả năng chống bệnh, trao đổi với các nước về quy trình xạ trị chữa ung thư cổ tử cung... Đó là kết quả sau 5 năm VN tham gia Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á.

Hội nghị thường niên lần thứ 5 của Diễn đàn đã diễn ra tại Hà Nội, với sự có mặt của bộ trưởng 9 nước thành viên là Australia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA) là cơ hội để thúc đẩy hoạt động hợp tác hạt nhân giữa các nước, cả trong lĩnh vực năng lượng và phi năng lượng. Đến nay, các nước thuộc diễn đàn đã hợp tác trong 11 dự án cụ thể thuộc 8 lĩnh vực, như: Sử dụng lò phản ứng nghiên cứu sản xuất đồng vị Tc-99m phục vụ chẩn đoán và điều trị (lò đặt tại Batan, Indonesia); Phân tích kích hoạt nơtron phục vụ quan trắc ô nhiễm bụi khí (kỹ thuật này sắp tới sẽ được sử dụng rộng rãi trong các nước thành viên)...

Trong y học, chúng ta trao đổi với các bạn thông tin về kỹ thuật xạ trị để điều trị ung thư cổ tử cung. Trong nông nghiệp, Việt Nam đã chuyển giao cho Philippines giống đậu tương chịu hạn, năng suất cao do các chuyên gia của ta chế tạo thành công từ kỹ thuật chiếu xạ. Hiện tại, tiến sĩ Đặng Trọng Lương, thuộc Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam đang thử nghiệm để tạo ra loại chuối kháng nấm bệnh, và sẽ trao đổi kỹ thuật này với các nước bạn khi thành công... Ngoài ra, Việt Nam cũng hợp tác với các thành viên FNCA trong những dự án về quản lý chất thải phóng xạ, dự án văn hoá an toàn trong lò phản ứng hạt nhân, ứng dụng máy gia tốc trong lĩnh vực vật liệu và xử lý môi trường.

Song song với những dự án hợp tác quốc tế, Việt Nam cũng đã tự phát triển và ứng dụng rộng rãi kỹ thuật hạt nhân trong nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Chẳng hạn, kỹ thuật đồng vị phóng xạ đánh dấu đã nâng cao đáng kể hiệu suất khai thác dầu khí. Ông Nguyễn Hữu Quang, chuyên viên Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho biết, để lấy được phần dầu dưới mỏ khi áp suất trong mỏ đã hạ thấp, người ta phải bơm nước xuống mỏ để đẩy dầu lên. Tuy nhiên, muốn biết cần phân bố các giếng bơm như thế nào, ở đâu và kiểm soát quá trình bơm ra sao, ... các chuyên gia cần có được thông tin về sự di chuyển của nước bơm dưới mỏ. Kỹ thuật đồng vị phóng xạ đánh dấu đã hỗ trợ công đoạn đó. Đây là một sáng tạo của các chuyên gia Việt Nam, vì các mỏ dầu của ta là mỏ trên đá móng nứt nẻ, ít gặp trên thế giới. Ông Quang cho biết giải pháp này đã làm tăng hiệu suất khai thác dầu, và được các chuyên gia trên thế giới thừa nhận.

Một ứng dụng hiệu quả khác của kỹ thuật hạt nhân là khử trùng thực phẩm. Từ năm 1999 đến nay, mỗi năm Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ TP HCM đã khử trùng khoảng 5.000 tấn thực phẩm đông lạnh bằng máy chiếu xạ Cobalt 60 cho gần 130 công ty. Ông Trần Khắc Ân, Giám đốc trung tâm, cho biết trung tâm còn ứng dụng kỹ thuật chiếu xạ để biến vỏ tôm thành chitosan - một loại thuốc phòng trừ nấm bệnh cho thực vật; sản xuất chất siêu hấp thụ nước và màng chữa bỏng cũng từ vỏ tôm.

Theo cuộc thăm dò mới đây của VnExpress trên 740 người, 82% ủng hộ phát triển điện hạt nhân, và chỉ 18% phản đối.

Bên cạnh những ứng dụng phi năng lượng, Việt Nam đã bước đầu xem xét việc khai thác mặt năng lượng của kỹ thuật hạt nhân. Hiện tại, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang xác định căn cứ cho việc xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới ở Việt Nam, kịp thời thay thế lò phản ứng Đà Lạt vào khoảng năm 2015. Sự ra đời của lò này cũng là nhằm chuẩn bị nhân lực và kinh nghiệm cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, dự kiến bắt đầu được xây dựng vào năm 2012, và phát điện vào năm 2017...

Ngoài việc đánh giá kết quả hợp tác trong năm qua, Hội nghị Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á lần này sẽ thảo luận sâu về hai chủ đề là chính sách và chương trình hợp tác của nhóm trong tương lai, và hợp tác khu vực trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân.

Theo VnExpress.net

Thông báo

Khách online: 0

Lượt truy cập: 62509