• Hợp tác - Đào tạo
  • Hợp tác quốc tế

Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện Sự ra đời và các nét cơ bản của nó.

Năng lượng nguyên tử đã được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội kể từ khi nó được phát hiện. Các ứng dụng trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác ngày càng được phát triển và được áp dụng rộng khắp trên thế giới.

     Song song với lợi ích kinh tế - xã hội mà năng lượng nguyên tử mang lại, việc sử dụng nó vào mục đích quân sự mà khởi đầu là hai quả bom nguyên tử ném xuống nước Nhật năm 1945 cho thấy sức công phá, sự huỷ diệt to lớn và những hậu quả nặng nề, kéo dài đối với con người và môi trường của nguồn năng lượng này.

     Từ sau năm 1945, việc chạy đua vũ trang đã dẫn đến các quốc gia có tiềm lực hạt nhân ra sức nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân. Cho tới những năm 90 của thế kỷ trước đã có hơn 2000 nghìn vụ nổ thử hạt nhân đã được thực hiện. Các quốc gia trên thế giới đã nhận thấy cần phải có biện pháp ngăn chặn việc phát triển loại vũ khí hạt nhân huỷ diệt này và đã ngồi lại với nhau thương thảo, đề ra các hiệp ước nhằm giảm bớt sự gia tăng sản xuất, tiến đến chấm dứt chế tạo và huỷ bỏ vũ khí hạt nhân.

     Năm 1963, Hiệp ước cấm thử hạt nhân một phần (PTBT) ra đời, cho phép ngăn chặn các vụ nổ thử hạt nhân trong trong không gian, trong khí quyển và môi trường nước. Hiệp ước này làm giảm đi sự rơi lắng phóng xạ trên bề mặt trái đất, nhưng không làm giảm các vụ nổ thử hạt nhân vì các vụ nổ thử hạt nhân trong lòng đất gia tăng.

     Năm 1968, Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT) được thông qua, làm sơ sở cho việc thực hiện không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân. Cũng trong năm đó, Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) bắt đầu được thảo luận nhưng không đạt kết quả.

     Ba thập kỷ sau, trong xu thế chính trị thuận lợi, CTBT lại được đặt lên bàn đàm phán một lần nữa và kết quả là CTBT đã được thông qua vào năm 1996, được hầu hết các quốc gia tham gia ký và phê chuẩn ngay trong ngày đầu tiên.

     Sự ra đời Hiệp ước CTBT là một mốc quan trọng góp phần vào việc kìm hãm các quốc gia nổ thử hạt nhân và cùng với hiệp ước NPT,  hy vọng trong tương lai thế giới sẽ không còn vũ khí hạt nhân.

     Hiệp ước CTBT có 17 Điều, và các nghị định thư kèm theo, qui định các vấn đề mang tính kỹ thuật của Hiệp ước. Toàn văn Hiệp ước có thể tìm thấy trên trang web của tổ chức CTBTO: http://www.ctbto.org.  

Điều 1 của Hiệp ước qui định nghĩa vụ cơ bản cho mỗi quốc gia thành viên là:

1. Mỗi quốc gia thành viên của Hiệp ước cam kết không tiến hành bất kỳ một vụ nổ để thử vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ một vụ nổ thử hạt nhân nào khác, và ngăn cấm mọi vụ nổ hạt nhân như vậy ở bất cứ địa điểm nào thuộc quyền tài phán hay kiểm soát của mình.

2. Mỗi quốc gia thành viên đồng thời cam kết kiềm chế không gây ra, khuyến khích hoặc bằng bất cứ cách nào khác tham gia vào việc tiến hành bất kỳ một vụ nổ để thử vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ vụ nổ thử hạt nhân nào khác

     Ngoài các điều khoản qui định về cơ cấu tổ chức của Hiệp ước,  Hiệp ước có qui định một Cơ chế kiểm chứng để khẳng định nghĩa vụ cơ bản nêu trên được tuân thủ. Cơ chế kiểm chứng này, bao gồm: Hệ thống quan trắc quốc tế (có khả năng phát hiện bất cứ vụ nổ thử hạt nhân nào có công suất tương đương vụ nổ 1 ki lô tấn thuốc nổ); quá trình trao đổi và làm sáng tỏ; quá trình thanh sát tại chỗ và các biện pháp xây dựng lòng tin.Nôm na có thể hiểu cơ chế này vận hành như sau: Khi một quốc gia nào đó cho rằng một quốc gia khác thực hiện một vụ nổ thử hạt nhân và đưa ra cộng đồng quốc tế vấn đề này, thì cơ chế kiểm chứng được khởi động. Quá trình trao đổi và làm sáng tỏ được thực hiện nhằm đi đến thống nhất là liệu có vụ thử nổ hạt nhân hay không giữa hai quốc gia này có sự tham gia của tổ chức CTBTO. Các bằng chứng khách quan được dựa trên số liệu quan trắc của hệ thống quan trắc quốc tế. Nếu quá trình trao đổi và làm sáng tỏ cho thấy có các bằng chứng về vụ nổ, giai đoạn thanh sát tại chỗ được tiến hành để tìm thêm những bằng chứng tại nơi thực hiện vụ nổ để khẳng định đã có vụ nổ được tiến hành. Đây là một quá trình nhạy cảm, mọi bằng chứng phải rất khách quan và chính xác.

     Chính vì có cơ chế kiểm chứng nên hiệp ước CTBT là hiệp ước có tính kỹ thuật rất cao. Do đó, tổ chức CTBTO rất quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống quan trắc quốc tế và giúp đỡ các quốc gia thành viên xây dựng năng lực kỹ thuật quốc gia của mình để đảm bảo nắm chắc các vấn đề kỹ thuật, công nghệ sử dụng trong mạng quan trắc và công việc thu nhận và xử lý số liệu của các trạm quan trắc quốc tế.

     Để thực hiện nhiệm vụ quan trắc vụ nổ hạt nhân, Ban thư ký kỹ thuật của CTBTO được thành lập. Nó có nhiệm vụ chính là xây dựng mạng quan trắc của tổ chức CTBTO, đảm bảo vận hành và bảo dưỡng các trạm quan trắc, truyền số liệu tức thời về  Trung tâm dữ liệu quốc tế của CTBTO. Tại đây số liệu được xử lý phân tích, lưu giữ. Số liệu và sản phẩm từ việc xử lý số liệu này ngoài việc được sử dụng cho mục đích kiểm chứng việc tuân thủ hiệp ước còn rất có ích cho mục đích nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong dân sự.

     Tổ chức Cấm thử hạt nhân toàn diện khuyến khích các quốc gia truy cập sử dụng số liệu và sản phẩm của mình thông qua Trung tâm dữ liệu quốc gia (NDC) của mỗi quốc gia thành viên, đồng thời cũng đang đưa ra chương trình tăng cường năng lực kỹ thuật quốc gia cho các quốc gia thành viên.

     Việt Nam ký Hiệp ước này năm 1996 và phê chuẩn năm 2006 và đã thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia cho Hiệp ước này đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Trung tâm NDC này có nhiệm vụ truy cập dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc tế của tổ chức CTBTO và sẵn sàng cung cấp số liệu và hợp tác với các cơ quan đơn vị có mong muốn khai thác số liệu của IDC cho mục đích nghiên cứu.               

Trung tâm dữ liệu quốc gia cho hiệp ước CTBT

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Thông báo

Khách online: 0

Lượt truy cập: 44072