• Tin tức
  • Hội nghị, hội thảo

Hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử lần thứ 8: Một sân chơi học thuật có ý nghĩa

Diễn ra trong hai ngày 3 và 4/10/2024 tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), Hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử (NLNT) lần thứ 8 đã trở thành một sân chơi ý nghĩa, tạo bước đệm cho con đường học thuật của các cán bộ nghiên cứu trẻ trong tương lai.

Tham dự Lễ khai mạc hội nghị vào sáng ngày 3/10/2024, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có đồng chí Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ KH&CN. Về phía Viện NLNTVN có: TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN, TS. Hoàng Sỹ Thân, Trưởng Ban Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học, ThS. Nguyễn An Trung, Quyền Trưởng ban Hợp tác quốc tế. Về phía các đơn vị trực thuộc Viện có: PGS.TS. Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, PGS.TS. Trịnh Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân, PGS. TS. Phan Việt Cương, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, ThS. Đặng Thu Hồng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đánh giá không phá hủy. Về phía Ban tổ chức có: TS. Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN, Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm, Trưởng Ban tổ chức, TS. Phạm Kim Long, Phó Trưởng Ban KH&QLKH, Phó Trưởng BTC. Hội nghị còn có sự tham dự của các cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học trẻ, các chuyên gia, khách mời đến từ các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường  Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. HCM,  Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Triều An, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ngoài ra, hội nghị còn có sự hiện diện của các vị chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực NLNT ở trong nước cũng như ở nước ngoài: GS. Pierre Descouvemont, Đại học Tự do Brussels (Vương quốc Bỉ), TS. Nguyễn Hào Quang, TS. Trần Ngọc Toàn, TS. Lê Chí Dũng, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Dung …

Đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, TS. Phạm Quang Minh cho biết: Hội nghị là nơi trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm, cũng như sự hợp tác nghiên cứu giữa các cán bộ trẻ thuộc các đơn vị trong và ngoài Viện NLNTVN nhằm xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu cần thiết, góp phần xây dựng đội ngũ nghiên cứu trẻ trong ngành năng lượng hạt nhân ngày càng vững mạnh.

Trong số 4 bài trình bày tại phiên toàn thể hội nghị, đáng chú ý có báo cáo của TS. Trần Đình Trọng (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) về tổ hợp gia tốc lớn và sự cần thiết của một tổ hợp như vậy cho Việt Nam. Báo cáo giới thiệu những khái niệm cơ bản về gia tốc, máy gia tốc, tổ hợp gia tốc, lịch sử gia tốc trong nước, trên thế giới, cũng như quá trình xây dựng một số trung tâm gia tốc điển hình trên thế giới. Máy gia tốc là một trong trong số ít thiết bị được ứng dụng đồng thời trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu khoa học, y tế, môi trường, công nghiệp. Một tổ hợp gia tốc có thể tập hợp và thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác nhau cùng phát triển tuy nhiên việc lựa chọn tổ hợp gia tốc phù hợp cũng cần tính toán bởi hiện nay có rất nhiều loại tổ hợp gia tốc khác nhau về chi phí xây dựng, vận hành, cũng như phạm vi ứng dụng.

Từ những thông tin và kinh nghiệm quốc tế, TS. Trần Đình Trọng đã đưa ra đánh giá về tính khả thi, sự cần thiết của tổ hợp gia tốc lớn tại Việt Nam, cũng như cung cấp những thông tin về quá trình chuẩn bị của Việt Nam.

Một báo cáo khác cũng được chú ý là báo cáo về dụng tia gamma tạo đột biến ở lúa và chọn lọc các dòng lúa có năng suất cao, chất lượng tốt của TS. Nguyễn Thị Hảo (Viện Di truyền nông nghiệp). Chị cho biết, kết quả chiếu xạ bằng tia gamma (Co-60) có hoạt độ 236 Ci vào giống lúa ST20 và ST5 cho thấy liều chiếu xạ 300 và 350 Gy với hạt khô; 200 và 250 Gy với hạt ướt cho tần số biến dị cao, với nhiều biến dị có ý nghĩa trong chọn giống. Kết quả sàng lọc ở thế hệ M6 đã chọn được 4 dòng lúa có chất lượng tương đương, hoặc cao hơn giống gốc (cơm mềm, mùi thơm và dẻo vừa phải, độ trắng trong cao, hàm lượng amylose thấp dưới 16%), năng suất được cải thiện và có thời gian sinh trưởng ngắn hơn đối chứng. Giải trình tự hệ gene dòng lúa đột biến đã được tiến hành và phát triển thấy dòng lúa sau chiếu xạ có chứa nhiều biến thể khác nhau khi so với hệ gene của giống gốc ST5.


TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN phát biểu chỉ đạo hội nghị

Đồng chí Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ KH&CN phát biểu tại hội nghị

Tuy không phải là những báo cáo chuyên sâu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nhưng báo cáo của Nguyễn Tuấn Anh (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam) và Phạm Hồng Bách (Trung tâm Tư vấn đánh giá khoa học và định giá công nghệ) đã mở ra những thông tin cơ bản về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong các nghiên cứu khoa học. Tiêu chuẩn hóa là một yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng, độ chính xác và tính minh bạch của các nghiên cứu khoa học cũng như việc đánh giá, định giá công nghệ và các tài sản trí tuệ hình thành từ việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Với quan điểm tổ chức một sự kiện khoa học bài bản và nghiêm túc, Ban tổ chức hội thảo đã phân định hai tiểu ban chuyên môn, trong đó Tiểu ban A bao gồm các bài báo cáo có nội dung về Vật lý, công nghệ hạt nhân và các vấn đề liên quan có tổng số 31 báo cáo, trong đó có 18 báo cáo oral và 13 báo cáo Poster; Tiểu ban B bao gồm các bài về Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế xã hội có tổng số 30 báo cáo, trong đó có 17 báo cáo oral và 16 báo cáo Poster.

Sau hai ngày diễn ra hội nghị, Trưởng Tiểu ban A, PGS.TS. Phan Việt Cương, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội và Trưởng Tiểu ban B, PGS.TS. Trịnh Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân, đều rút ra những nhận xét: Phần lớn các báo cáo tại hội nghị đều có chất lượng khá tốt, các báo cáo viên trình bày đều rất tự tin và rõ ràng nội dung nghiên cứu. Tuy nhiên, số lượng các báo cáo trình bày bằng tiếng Anh chưa nhiều.

Đại diện cho hai tiểu ban chuyên môn, PGS.TS. Phan Việt Cương và PGS.TS. Trịnh Anh Đức đã đưa ra một số định hướng nghiên cứu trong thời gian tới: Xem xét, ưu tiên phê duyệt thực hiện các đề tài, nhiệm vụ KHCN theo hướng ưu tiên như lò nghiên cứu mới, quan trắc phóng xạ, vật lý hạt nhân, Y học hạt nhân – Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến sử dụng nguồn/nguyên tố phóng xạ; Kỹ thuật đồng vị – tiếp tục hoàn thiện phương pháp, xây dựng các chương trình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đồng vị; NDT – Tiếp tục xây dựng quy trình, giáo trình, thiết bị đạt các quy chuẩn toàn cầu; Ứng dụng kỹ thuật bức xạ trong sinh học và nông nghiệp – Thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Để hiện thực hóa định hướng nghiên cứu này, PGS.TS. Phan Việt Cương và PGS.TS. Trịnh Anh Đức đều có những kiến nghị với Bộ KH&CN và Viện NLNTVN: cần  có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên lĩnh vực nghiên cứu KH&CN hạt nhân; Tạo điều kiện trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ để duy trì và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Xây dựng các quy hoạch, định hướng và kế hoạch triển khai cụ thể của các chương trình nghiên cứu trọng điểm; Cải thiện quy trình thủ tục phê duyệt, cấp kinh phí và nghiệm thu các đề tài nhiệm vụ; Đầu tư tăng cường, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cung cấp kinh phí phục vụ thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; Hỗ trợ tạo điều kiện cho các đơn vị trong Vinatom, đặc biệt là các cán bộ trẻ trong việc xây dựng các kênh hợp tác trong nước và quốc tế; Thành lập Quỹ học bổng, Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ ngành năng lượng nguyên tử.

Sau hai ngày làm việc nghiêm túc và khoa học, Hội nghị đã thống nhất trao 12 giải thưởng (02 giải A, 04 giải B và 06 giải C) cho các báo cáo viên xuất sắc. Hai bài báo được nhận giải A bao gồm: “Nghiên cứu ảnh hưởng lưới giằng tới sự đối lưu tự nhiên đối với mô hình thanh nhiên liệu của lò phản ứng” của nhóm tác giả Trịnh Thế Nghĩa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; “Sử dụng tia Gamma tạo đột biến ở lúa và chọn lọc các dòng lúa có năng suất cao, chất lượng tốt” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hảo, Viện Di truyền nông nghiệp.

 

TS. Nguyễn Hào Quang và PGS.TS. Trịnh Anh Đức trao giải cho các báo cáo viên đạt giải B


PGS.TS. Phạm Đức Khuê và PGS.TS. Phan Việt Cương trao giải cho các báo cáo viên đạt giải C


Phó Viện trưởng Viện NLNTVN Đỗ Hồng Giang trao giải cho các báo cáo viên xuất sắc đạt giải A

Bế mạc Hội nghị, Phó Viện trưởng Đỗ Hồng Giang đã nhấn mạnh đến tính thiết thực của các báo cáo tại hội nghị gắn liền với ứng dụng của năng lượng nguyên tử ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội như: Nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, y học, chiếu xạ hàng hóa, kiểm dịch hoa quả xuất khẩu… Trong bối cảnh hiện nay khi biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ, năng lượng nguyên tử ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các giống cây mới chịu được hạn mặn, tham gia giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tài nguyên nước, xử lý rác thải nhựa, sản xuất dược chất phóng xạ chữa các bệnh ung thư…

Phó Viện trưởng Đỗ Hồng Giang cũng gửi gắm những chia sẻ của Viện trưởng Trần Chí Thành: Vấn đề nhân lực đang đặt ra cấp thiết hơn cho ngành NLNT khi nhiều dự án trọng điểm đang được xúc tiến như: Dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân tại Long Khánh (Đồng Nai); Dự án xây dựng Mạng quan trắc phóng xạ quốc gia… Chính phủ cũng đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới nhằm bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường. Do đó, nếu phát triển chương trình điện hạt nhân thì cũng cần tính toán việc đào tạo, chuẩn bị thêm nguồn nhân lực.

Vì vậy, Phó Viện trưởng Đỗ Hồng Giang mong rằng những người trẻ hãy thêm nỗ lực, cố gắng phấn đấu trở thành những chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực nhỏ của lĩnh vực năng lượng nguyên tử, công nghệ hạt nhân, “các bạn trẻ hãy dành cả trái tim của mình cho khoa học và nghiên cứu”, dẫn lời Viện trưởng Trần Chí Thành./.

Hội nghị khoa học và công nghệ cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử lần thứ 8 do Viện NLNTVN phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Viện NLNTVN và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ KH&CN tổ chức nhằm mục đích trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân của các cán bộ trẻ và xác định các hướng nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ trong thời gian tới.

Qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của hội đồng khoa học, Hội nghị đã chọn được 68 báo cáo, trong đó có 04 báo cáo trình bày tại phiên toàn thể, 35 báo cáo được trình bày (Oral presentation) và 29 báo cáo dán bảng (Posters) được trình bày tại các tiểu ban.

Nguyễn Thị Thu Hà, Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Nguồn: https://vinatom.gov.vn/

Thông báo

Khách online: 0

Lượt truy cập: 10317