• Tin tức
  • Hội nghị, hội thảo

Hội thảo khởi động Dự án “Quản lý bền vững và tái sử dụng chất thải chứa tồn dư phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên (NORM) từ ngành công nghiệp titan tại Việt Nam”

  Chiều ngày 18/09/2023 Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN, INST) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN, VinAtom) đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý môi trường (IESEM) thuộc Đại học Công nghiệp Tp.HCM (IUH) tổ chức hội thảo khởi động Dự án “Quản lý bền vững và tái sử dụng chất thải chứa tồn dư phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên (NORM) từ ngành công nghiệp titan tại Việt Nam", gọi tắt là Dự án RENO-TITAN.

       Đây là Hội thảo đầu tiên được tổ chức nhằm giới thiệu năng lực, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các thông tin giữa các đối tác và các nội dung chủ yếu sẽ được thực hiện trong Dự án. Thành phần tham dự Hội thảo gồm có:

- Đối tác đến từ Cộng hòa liên bang Đức gồm có GS.TS. Petra Schneider, Đại học Khoa học ứng dụngMagdeburg - Stendal (HMS), Bà Katrin Krüger - Đại diện Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, cùng các chuyên gia Đức (TS. Anna Belousova, TS. Lars Uhlig đến từ các Công ty WISUTEC/GEOS; TS. Christian Kunze từ Công ty IAF-Radioökologie; ThS Conrad Dorer đến từ Đại học HMS).

- Phía Việt Nam gồm có: PGS.TS. Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (chủ nhiệm Dự án), PGS.TS. Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện KH&KTHN (đơn vị chính tham gia thực hiện Dự án); ThS. Nguyễn An Trung, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Viện NLNTVN; ThS. Lại Tiến Thịnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật An toàn bức xạ hạt nhân và Ứng phó sự cố thuộc Cục An toàn bức xạ hạt nhân (VARANS), cùng các đại biểu đến từ công ty CP đất hiếm Lai Châu; Công ty CP Chế biến khoáng sản Việt Thịnh, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Viện Công nghệ xạ hiếm, và các đồng nghiệp của Viện KH&KTHN.

       Theo các số liệu thống kê Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có tài nguyên titan với trữ lượng lớn, tiềm năng khai thác, chế biến và xuất khẩu titan ở Việt Nam là rất khả quan. Trong quá trình khai thác quặng titan ở Việt Nam, một vấn đề rất cần được quan tâm, xử lý đó là các khoáng đồng hành chứa vật liệu phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên (Naturally Occuring Radioactvive Material - NORM). Đây chủ yếu là các hạt nhân phóng xạ sinh ra từ các chuỗi phân rã tự nhiên của Uranium-238 và Thorium-232. Các dư lượng có chứa NORM nếu không được xử lý và giám sát một cách chặt chẽ sẽ dẫn đến các tác động gây ô nhiễm môi trường không được kiểm soát. Vấn đề về quản lý chất thải có chứa NORM ở Việt Nam hiện còn tương đối mới lạ, chính sách quản lý, hướng dẫn chưa được đầy đủ. Hơn thế nữa, Việt Nam vẫn còn có hạn chế về chuyên môn và kỹ thuật, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế để đánh giá một cách đầy đủ và chính xác các tác động hiện có và tương lai của dư lượng NORM trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản nói chung và công nghiệp titan nói riêng.

       Gần đây Chính phủ và các bộ ngành đã bắt đầu nhận thấy sự cần thiết và cấp bách của việc quản lý an toàn các vật liệu có chứa NORM. Ngày 25/5/2023 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BKHCN về việc BKHCN ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Chất thải chứa các nhân phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên.

       Để phát triển ngành công nghiệp titan một cách bền vững, hiệu quả về kinh tế, an toàn cho môi trường, cần phải tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng, nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ cũng như các biện pháp an toàn nghề nghiệp, phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người trong việc xử lý dư lượng NORM, để đảm bảo tiết kiệm tài nguyên và giảm tỷ lệ chất thải bị ô nhiễm  dư lượng NORM. Để có thể triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ này, rất cần có sự hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

       Trong bối cảnh đó, các bên Việt Nam (Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Viện KH&KTHN, Viện Y tế Công cộng TPHCM), và các đối tác CHLB Đức cùng phối hợp đề xuất dự án mang tên RENO-TITAN, đối ứng phía Việt Nam là nhiệm vụ Nghị định thư: "Quản lý bền vững và tái sử dụng chất thải chứa tồn dư phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên (NORM) từ ngành công nghiệp titan tại Việt Nam" do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, với mục tiêu cung cấp nền tảng phương pháp luận, cơ sở khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ công tác quản lý bền vững, xử lý và tái sử dụng chất thải NORM trong ngành công nghiệp titan tại Việt Nam. Nhiệm vụ sẽ tiến hành điều tra và xác định các đặc tính cơ, lý, hóa cũng như đặc tính phóng xạ của các sản phẩm và chất thải, đánh giá rủi ro và các tác động môi trường trong chu trình vòng đời khai thác và chế biến quặng titan ở tỉnh Bình Thuận, đồng thời nghiên cứu đề xuất các công nghệ, biện pháp xử lý, tận dụng và chôn lấp một cách hợp lý các chất thải chứa NORM nhằm đạt được mục tiêu quản lý bền vững và tái sử dụng chất thải từ ngành công nghiệp titan tại Việt Nam.

       Viện KH&KTHN là một trong 3 đơn vị phía Việt Nam phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ này. Viện KH&KTHN có truyền thống, kinh nghiệm và năng lực trong việc thực hiện các nghiên cứu, khảo sát trong lĩnh vực môi trường phóng xạ và phi phóng xạ. Việc tham gia vào dự án sẽ là cơ hội tốt để các cán bộ của viện có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác Đức cũng như Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu đánh giá, quản lý, xử lý và tái sử dụng chất thải NORM.

        Hội thảo được tổ chức trong bầu không khí trang trọng, thân thiện và hợp tác. Các báo cáo được trình bày ở Hội thảo gồm có báo cáo của chuyên gia đến từ CHLB Đức: GS. Petra Schneider giới thiệu dự án RENO-TITAN và các thành tựu khoa học của HMS; TS. Christian Kunze đến từ IAF Radioecology báo cáo về NORM trong vật liệu xây dựng; TS. Vương Thu Bắc giới thiệu tóm lược về các lĩnh vực nghiên cứu, triển khai chính của Viện KH&KTHN và nội dung công việc mà Viện sẽ tham gia thực hiện trong Dự án; Các đại biểu đến từ nhiều đơn vị khác nhau đã tham gia thảo luận sôi nổi về các báo cáo và đóng góp nhiều ý kiến bổ ích cho Hội thảo. Cuối buổi Hội thảo các chuyên gia Đức và đại biểu đi tham quan các phòng thí nghiệm về quan trắc phóng xạ môi trường, thủy văn đồng vị của Viện KH&KTHN.

        Hội thảo được tổ chức thành công tốt đẹp. Các chuyên gia từ Cộng hòa liên bang Đức rất ấn tượng, đánh giá cao về cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực chuyên môn, nhiệt huyết và các kết quả đã đạt được của các cán bộ khoa học Việt Nam đồng thời rất hy vọng và tin tưởng Dự án sớm được thực hiện và sẽ có nhiều hợp tác tốt đẹp trong thời gian tới.

       Thay mặt cho Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, PGS.TS. Phạm Đức Khuê đã gửi lời cảm ơn trân trọng, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc tới toàn thể các chuyên gia, các quý vị đại biểu và các đồng nghiệp đã đến dự Hội thảo./.

Một vài hình ảnh về Hội thảo:

 

 

 

TS. Vương Thu Bắc

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Thông báo

Khách online: 0

Lượt truy cập: 37570