- Tin tức
- Hội nghị, hội thảo
Hội thảo “Phân tích lò phản ứng và một số nghiên cứu, ứng dụng dựa trên lò phản ứng nghiên cứu”
Trong những năm gần đây, Trung tâm Năng lượng hạt nhân (TT NLHN) trực thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) đã liên tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực năng lượng và an toàn hạt nhân. Cùng trong chuỗi hoạt động đó, vừa qua TT NLHN đã chủ trì tổ chức hội thảo “Phân tích lò phản ứng và một số nghiên cứu, ứng dụng dựa trên lò phản ứng nghiên cứu” với sự tham gia của các chuyên gia, đồng nghiệp đến từ Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý thuộc Đại học Công nghệ Bratislava, Slovakia (Institute of Nuclear and Physical Engineering, Slovak University of Technology in Bratislava, INPE/STU); Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển (Chalmers University of Technology); Đại học Thành phố Tokyo và Công ty dịch vụ thông tin tiên tiến Nippon (Tokyo City University & Nippon Advanced Information Services), Đại học Duy Tân và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hình ảnh tại buổi hội thảo
Trong ngày làm việc đầu tiên đã có nhiều báo cáo được trình bày. Mở đầu là bài giới thiệu về “Thực trạng nghiên cứu an toàn lò phản ứng tại Viện KH&KTHN” do TS. Phạm Như Việt Hà thực hiện. Tiếp theo lần lượt là các báo cáo về “Viễn cảnh tương lai của năng lượng hạt nhân tại Slovakia” (TS. Branislav Vrban, Phó Viện trưởng INPE/STU); “Giới thiệu về Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý thuộc Đại học Công nghệ Bratislava Slovakia (INPE/STU)” (TS. Stefan Cerba, INPE/STU); “Xử lý tiết diện neutron đa nhóm đối với các lò phản ứng nhiệt và lò phản ứng nhanh” (TS. Stefan Cerba, INPE/STU); “Phân tích độ nhạy và độ bất định trong tính toán lò phản ứng hạt nhân” (TS. Jakub Luley, INPE/STU); “Đánh giá sự tương đồng trong khung an toàn tới hạn” (TS. Branislav Vrban, INPE/STU) do các chuyên gia đến từ INPE/STU trình bày. Cuối buổi làm việc hai bên đã thảo luận và trao đổi về khả năng hợp tác giữa TT NLHN, Viện KH&KTHN và INPE/STU trong công tác nghiên cứu và đào tạo, cụ thể là khả năng hợp tác nghiên cứu về phân tích độ nhạy và độ bất định trong tính toán lò phản ứng hạt nhân.
Trong ngày làm việc tiếp theo, nhóm tiếp tục thảo luận về một số chủ đề liên quan đến các nghiên cứu và ứng dụng dựa trên lò phản ứng nghiên cứu. Đây là các chủ đề đang được quan tâm hiện nay ở Việt Nam trong bối cảnh nước ta đang triển khai dự án Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân với trọng tâm là xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu mới với công suất 10 MW để thay thế lò phản ứng Đà Lạt. Trong nội dung làm việc này, TS. Phạm Như Việt Hà đã giới thiệu và thảo luận về thực trạng xây dựng năng lực của TT NLHN dựa trên các nghiên cứu, thực hành tính toán và thí nghiệm trên lò phản ứng Đà Lạt để phục vụ mục tiêu hỗ trợ phân tích, đánh giá an toàn lò phản ứng nghiên cứu mới của Việt Nam trong tương lai. PGS. TS. Trần Hoài Nam, Đại học Duy Tân, đã trình bày các hướng hợp tác nghiên cứu tại Đại học Duy Tân với các nhóm nghiên cứu khác ở trong nước để đẩy mạnh công bố các kết quả nghiên cứu đối với lò phản ứng Đà Lạt trên các tạp chí quốc tế hạng ISI. Giáo sư Peng Hong Liem, Đại học Thành phố Tokyo và Công ty dịch vụ thông tin tiên tiến Nippon, đã giới thiệu và thảo luận về thực trạng nghiên cứu và ứng dụng dựa trên các lò phản ứng nghiên cứu tại Indonesia cùng một số bài học kinh nghiệm của Indonesia mà có thể hữu ích đối với Việt Nam. Giáo sư Imre Pazsit, Đại học Charmers Thụy Điển, đã giới thiệu về lý thuyết nhiễu neutron và ứng dụng kỹ thuật phân tích nhiễu neutron đối với các lò phản ứng công suất và lò phản ứng nghiên cứu, đồng thời thảo luận khả năng áp dụng kỹ thuật này đối với lò phản ứng Đà Lạt cũng như lò phản ứng nghiên cứu mới của Việt Nam. Buổi làm việc đã kết thúc trong không khí sôi nổi và đã cung cấp cho các cán bộ chuyên môn của TT NLHN những thông tin hữu ích liên quan đến một số hướng nghiên cứu và ứng dụng dựa trên lò phản ứng nghiên cứu.
Hội thảo được tổ chức lần này không chỉ giúp các cán bộ chuyên môn của TT NLHN có thêm cơ hội học hỏi, trao đổi kiến thức và thông tin trong lĩnh vực phân tích lò phản ứng hạt nhân mà còn gợi mở một số khả năng hợp tác trong nước và quốc tế của TT NLHN trong lĩnh vực này, phục vụ mục tiêu duy trì và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng của Viện KH&KTHN về kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân.
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân