• Tin tức
  • Hội nghị, hội thảo

Hội thảo “Phản ứng hạt nhân ở năng lượng thấp và áp dụng vào thiên văn hạt nhân” năm 2024

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân và Trường Đại học tự do Bruxelles (Vương quốc Bỉ), ngày 09/10/2024, tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Phản ứng hạt nhân ở năng lượng thấp và áp dụng vào thiên văn hạt nhân”. Tham dự Hội thảo có TS. Phạm Ngọc Đồng - Phó Viện trưởng Viện KH&KTHN đại diện Viện và chủ trì hội thảo, GS. Đào Tiến Khoa, cán bộ Trung tâm Vật lý hạt nhân và các cán bộ nghiên cứu đến từ Viện Vật lý, Đại học KHTN, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cùng tham dự. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học trong về lĩnh vực Vật lý hạt nhân gặp mặt và thảo luận những nghiên cứu mới nhất của các nhóm nghiên cứu tại các đơn vị cũng như thảo luận về sự hợp tác những hướng nghiên cứu tiếp trong thời gian tới.

Hình ảnh GS. Pierre Descouvemont trình bày tại Hội thảo

Tại buổi hội thảo, GS. Pierre Descouvemont đến từ Trường Đại học tự do Bruxelles đã trình bày báo cáo với tiêu đề “Alpha-transfer cross sections from microscopic wave functions: application to 12C(7Li,t)16O”. Trong bài trình bày của mình, giáo sư đã giới thiệu mô hình mới nhất của GS trong nghiên cứu vi mô cấu trúc các hạt nhân nhẹ. Các thông tin cấu trúc hạt nhân rút ra được từ mô hình tính toán này đã được kiểm nghiệm thông qua số liệu tiết diện phản ứng chuyển hạt alpha.

Tiếp theo là 03 các báo cáo của các cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm VLHN, Viện KH&KTHN:

Báo cáo “Study of the neutron transfer 9Be(p,d) reactions and the elastics 6Li+alpha scattering at large angles” do TS. Đỗ Công Cương trình bày về những nghiên cứu mới nhất của nhóm lý thuyết hạt nhân. Báo cáo này giới thiệu phương pháp CDCC bốn-hạt mới được phát triển gần đây để tính toán tiết diện tán xạ đàn hồi của hệ d+8Be. Thế tương tác hạt nhân d+8Be rút ra từ tính toán tiết diện tán xạ CDCC bốn-hạt giúp chúng ta hiểu thêm về lực tương tác hạt nhân trong các đồng vị không bền như deuteron, 6Li, 8Be và các đồng vị hạt nhân halo và cluster. Sự hợp lý của thế tương tác hạt nhân này đã được kiểm nghiệm thông qua phân tích số liệu thực nghiệm của phản ứng chuyển neutron 9Be(p,d)8Be.

Báo cáo “Faraday cup development for beam monitoring and cross section measurement of p+12C elastic scattering with ep=0.95-3.2 MeV” của ThS. Nguyễn Tuấn Anh, viện Chiếu xạ Hà Nội, trình bày kết quả nghiên cứu với 3 phần chính: Phát triển thiết bị (cốc Faraday), thực nghiệm đo tiết diện tán xạ đàn hồi p+12C và lý thuyết giải thích. Với sự phù hợp khi so sánh với các kết quả đã công bố trước đó, bài báo cáo đã chứng minh cốc Faraday được phát triển hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy. Thiết bị có thể được ứng dụng trong nghiên cứu phản ứng hạt nhân trên máy gia tốc Pelletron 5SDH-2 tại Trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Nội dung của nghiên cứu được chấp nhận đăng trên tạp chí IEEE Transaction on Nuclear Science.

Cuối cùng là bài trình bày của ThS. Đỗ Thị Khánh Linh với tiêu đề: “Angular differential cross section measurement for 11B(p, α0)8Be reaction with proton energy of 2.5 MeV”. Báo cáo trình bày về thí nghiệm đo tiết diện vi phân theo góc của phản ứng 11B(p,α0)8Be với chùm proton năng lượng 2.5 MeV được gia tốc bởi máy gia tốc Pelletron 5SDH-2 nói trên. Các số liệu thu được cho thấy sự phù hợp tốt với những kết quả đã được công bố trước đây. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: độ chính xác trong việc xác định tiết diện phản ứng tổng phụ thuộc vào khoảng rộng của góc đo. Kết luận này bổ sung giải thích cho sự sai khác về số liệu đo đạc của các nhóm nghiên cứu đã công bố, và như một “lưu ý” đối với cộng đồng. Với ý nghĩa như vậy, nội dung bài trình bày đã được đăng trên tạp chí Nuclear Physics A 1046 (2024) 122869, vào tháng 4/2024. Ngoài ra, nhóm cũng giới thiệu thí nghiệm nghiên cứu sâu hơn về tiết diện kênh phản ứng đang được đề cập với bia 11B làm giàu và chùm proton được gia tốc trong toàn dải năng lượng khả dĩ của máy Pelletron nói trên.

Qua buổi hội thảo và chương trình làm việc với GS. Pierre Descouvemont, các cán bộ nghiên cứu của Viện có cơ hội trao đổi, cập nhật thông tin mới về các nghiên cứu vật lý hạt nhân hiện đại trong ở vùng năng lượng thấp, các mô hình tính toán lý thuyết mô tả số liệu thực nghiệm tiết diện phản ứng hạt nhân, từ đó rút ra các thành phần có đóng góp quan trọng (tương tác hiệu dụng nucleon-nucleon, tính toán liên kênh CRC, …) cũng như những hiệu ứng cấu trúc hạt nhân đặc biệt (cấu trúc halo, hay cấu trúc “cụm”). Nhóm thực nghiệm cũng đã giới thiệu các kết quả với giáo sư. Giáo sư rất vui mừng vì những kết quả đo đạc của nhóm thực hiện ngay tại Hà Nội đã hoàn chỉnh và được kiểm chứng. Trong thời gian sắp tới hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để có những công trình nghiên cứu với hàm lượng khoa học và sức ảnh hưởng lớn hơn. Những vấn đề mới mà các bên cùng quan tâm cũng được thoả luận và đưa vào chương trình hợp tác trong thời gian tới.

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực vật lý hạt nhân là không thể thiếu để tiếp cận hướng nghiên cứu tiên tiến và duy trì mối quan hệ quốc tế. Những hoạt động như hội thảo và trao đổi nghiên cứu ngắn hạn sẽ giúp các bên phát huy được lợi thế, tăng cường sự hợp tác và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Thông báo

Khách online: 0

Lượt truy cập: 85454