- Tin tức
- Hội nghị, hội thảo
Hội thảo quốc gia về “Chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với các sự kiện liên quan đến sự cố hạt nhân ở nước láng giềng”
Trong 3 ngày từ 27/8 đến 29/8/2018, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện KH&KTHN), Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tổ chức thành công tốt đẹp Hội thảo quốc gia về “Chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với các sự kiện liên quan đến sự cố hạt nhân ở nước láng giềng” (National Workshop on Preparedness & Response Arrangements for Events Involving a Nuclear Emergency in a Neighbouring Country) tại Viện KH&KTHN.
Đây là hội thảo quốc gia trong khuôn khổ nội dung các hoạt động của Mạng an toàn hạt nhân Châu Á (ANSN) năm 2018, là hội thảo đầu tiên đề cập đến vấn đề ứng phó sự cố hạt nhân phạm vi xuyên quốc gia – một trong 10 nguy cơ có thể dẫn đến thảm họa cho thủ đô Hà Nội (theo Quyết định số 2426/QĐ-UBND, ngày 21/05/2018).
Hai chuyên gia hàng đầu của IAEA có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đã được cử đến hội thảo để phổ biến, cung cấp các tài liệu, thông tin liên quan, hướng dẫn thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thực tế của các nước trong việc điều phối chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó khẩn cấp sự cố hạt nhân ở nước láng giềng.
Gần 40 đại biểu gồm các lãnh đạo Viện NLNTVN, Cục ATBX&HN, Viện KH&KTHN, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường và các đại biểu của các đơn vị đã đến tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã được các chuyên gia IAEA cung cấp tổng quan các hướng dẫn an toàn, hướng dẫn kỹ thuật, thảo luận về các hành động ứng phó sự cố của IAEA áp dụng cho các khu vực thuộc hạng mục V; được thảo luận các yêu cầu về chuẩn bị để ứng phó khẩn cấp sự cố hạt nhân theo bộ tiêu chuẩn an toàn GSR của IAEA (phần 7); thảo luận về các thỏa thuận ứng phó sự cố quốc gia hiện có để ứng phó với tình trạng khẩn cấp xuyên quốc gia và các nỗ lực hiện tại để cải thiện sự phối hợp với các quốc gia láng giềng; được phổ biến vai trò của IAEA đối với sự chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp; được thảo luận về các hành động bảo vệ công chúng và về các hành động trong trường hợp khẩn cấp hạt nhân; được trao đổi về tầm quan trọng của việc chuẩn bị và sắp xếp trong phối hợp ứng phó khẩn cấp; được chia sẻ các ví dụ về sự phối hợp ứng phó sự cố dựa trên kinh nghiệm của Slovenia và Pakistan; và các đại biểu cũng được thực hiện 03 bài thực hành xác định các hành động ứng phó khẩn cấp phù hợp với 03 kịch bản sự cố hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân ngoài biên giới với các khoảng cách khác nhau khá phù hợp với tình hình thực tế của nước ta.
“Chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với các sự kiện liên quan đến sự cố hạt nhân ở nước láng giềng” là một vấn đề quan trọng và cần thiết, một bài toán vô cùng phức tạp đối với nước ta trong tình hình hiện nay. Hội thảo này là cơ hội rất tốt để các đại biểu, các nhà khoa học trong nước tham gia thảo luận, trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm về các vấn đề quan tâm liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của mình. Hội thảo diễn ra trong bầu không khí rất thân thiện, cởi mở và cầu thị của tất cả các đại biểu tham dự.
Sau ba ngày làm việc tích cực, hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp. Qua hội thảo này, chúng ta nhận thấy rằng cần phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác với chính quyền địa phương trong và ngoài nước trong việc cảnh báo, dự báo, giáo dục, đào tạo, chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các bài học thực tế; hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các chương trình liên quan đến sự cố kể cả sự cố thiên tai mới có thể phát triển được khả năng phối hợp và sự chuẩn bị đầy đủ, hài hòa, hiệu quả trong ứng phó với các trường hợp khẩn cấp hạt nhân có nguồn gốc từ nước láng giềng.
Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo, sự tận tụy nhiệt tình của các cán bộ tham gia tổ chức và thực hiện hội thảo. Nhờ đó hội thảo đã thành công tốt đẹp, nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia quốc tế và lãnh đạo Viện NLNTVN.
Một số hình ảnh về hội thảo:
TS. Vương Thu Bắc
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân