- Nghiên cứu - Phát triển
- Hoạt động khoa học
Kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2013 do TS Nguyễn Tuấn Khải làm chủ nhiệm
Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2013 “Nghiên cứu tìm hiểu một số phương pháp tính toán trong phân tích các đặc trưng vật lý đối với lò phản ứng năng lượng” do TS. Nguyễn Tuấn Khải làm chủ nhiệm được giao thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2013 với tổng kinh phí là 280 triệu đồng. Nhiệm vụ do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân chủ trì với sự phối hợp thực hiện của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Mục tiêu của nhiệm vụ là phát triển nguồn nhân lực, từng bước tăng cường năng lực của các nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Năng lượng hạt nhân – Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân và Trung tâm Lò phản ứng – Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt. Để đạt được mục tiêu nêu trên, Nhóm thực nghiên cứu đã đặt ra các nội dung thực hiện bao gồm:
- Nghiên cứu khả năng ứng dụng một số phương pháp và kỹ thuật tính toán hiện đại trong phân tích các đặc trưng vật lý, động học và kết hợp vật lý – thủy nhiệt đối với lò phản ứng. Nội dung này được thực hiện dựa trên sự hợp tác với chuyên gia Đại học San Jose Hoa Kỳ nhằm mục tiêu nắm vững các hiện tượng vật lý trong lò phản ứng năng lượng.
- Triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ trẻ với Trung tâm lò phản ứng, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
- Phối hợp với chuyên gia của Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Nhật Bản tổ chức khóa đào tạo 02 tuần về công nghệ lò phản ứng trong năm 2013.
Nhiệm vụ được đánh giá là có ý nghĩa khoa học và thực tiễn đối với việc phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực nghiên cứu và sự hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu của Trung tâm Năng lượng hạt nhân - Viện KH&KTHN và Trung tâm Lò phản ứng – Viện NCHN Đà Lạt. Nhiệm vụ cũng đã phần nào đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu chuyên sâu và tổ chức các hình thức đào tạo cán bộ với sự tham gia của các chuyên gia từ các nước phát triển về công nghệ lò phản ứng hạt nhân, góp phần vào mục tiêu dài hạn của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam là xây dựng Trung tâm Năng lượng hạt nhân trở thành một đơn vị trọng điểm về nghiên cứu vật lý, động học và công nghệ lò phản ứng, phục vụ chương trình điện hạt nhân của đất nước.
Sau 12 tháng thực hiện, nhiệm vụ đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, cụ thể như sau:
- Đã triển khai thực hiện được 06 chuyên đề nghiên cứu tổng kết các phương pháp toán, vật lý và kỹ thuật sử dụng số liệu hạt nhân đối với bài toán vận chuyển neutron trong môi trường vùng hoạt lò phản ứng
- Phân tích sự khác nhau về đặc trưng neutron của Bó nhiên liệu VVR-M2 độ giàu 36% (HEU) và 19,7%(LEU) dùng code MCNP và SRAC
- Phân tích các đặc trưng vật lý thủy nhiệt ở trạng thái dừng của bó nhiên liệu lò phản ứng PWR ở độ sâu cháy 0 GWd/ton và 45GWd/ton dùng code MCNP và COBRA-EN
- Phân tích sự cố Main Steam Line Break lò VVER-1000 (AES-92) dùng code RELAP 5
- Chuẩn bị các bài thực tập dùng PCTRAN phục vụ khóa đào tạo về công nghệ lò phản ứng trong năm 2013. Khóa học đã thu hút được sự tham gia của hơn 20 cán bộ đang công tác tại các cơ quan, tổ chức có liên quan đến chương trình điện hạt nhân quốc gia như Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Điện lực, Cao đẳng điện lực miền Trung, Viện Năng lượng – Bộ Công thương và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Kết thúc khóa học các học viên đạt yêu cầu đều được cấp chứng chỉ. JAEA đã cử 03 chuyên gia sang tham gia giảng dạy và theo dõi khóa học. Các chuyên gia JAEA đã đánh giá cao công tác tổ chức, nội dung chuyên môn của khóa học và khuyến cáo khóa học nên được tiếp tục duy trì cho các năm tiếp theo.
Sản phẩm chính của nhiệm vụ là 10 báo cáo chuyên đề cho các nội dung nghiên cứu, 01 bài báo: “Simulation for neutron transport in reactor moderator and proper thickness of light water refelector” đăng trên tạp chí chuyên ngành của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ngoài ra, các kết quả thu được đã đóng góp vào nội dung khoa học của 01 luận văn thạc sĩ được bảo vệ trong tháng 8/2014 tại Viện Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nhiệm vụ cũng đã xây dựng được 1 chương trình tính toán ứng dụng phương pháp tất định và Monte-Carlo đối với bài toán vận chuyển neutron trong môi trường vùng hoạt lò phản ứng PWR.
Nhiệm vụ đã được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức đánh giá nghiệm thu ngày 05/8/2014 và được thanh lý hợp đồng ngày 21/11/2014. Nhiệm vụ cũng đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả số 10753/KQNC ngày 07/11/2014 của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc Gia.