- Hợp tác - Đào tạo
- Đào tạo
Khóa đào tạo PHITS CODE
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA), Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt (KH&KTHN) nhân đã tổ chức thành công Khóa đào tạo sử dụng PHITS code và các ứng dụng trong nghiên cứu bảo vệ bức xạ trong thời gian từ ngày 27- 30 tháng 8 năm 2019.
Đại diện Viện KH&KTHN, TS. Lê Ngọc Thiệm đã mời TS. Tatsuhiko Sato - Trưởng nhóm phát triển PHITS Code của JAEA đến Việt Nam trực tiếp tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực hành sử dụng PHITS code cho một số bài toán mô phỏng cụ thể phục vụ mục đích đo liều bức xạ ion hóa; tối ưu hóa quá trình điều trị ung thư sử dụng bức xạ ion hóa; nghiên cứu đáp ứng của các thiết bị đo liều bức xạ ion hóa; …
Tập thể giảng viên và học viên khóa đào tạo PHITS CODE chụp ảnh kỷ niệm
TS. Tatsuhiko Sato là trưởng nhóm phát triển PHITS Code thuộc JAEA - Nhật Bản. TS đã sử dụng PHITS code để nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến tia vũ trụ và vật lý y khoa như: phát triển mô hình ước tính thông lượng tia vũ trụ trên mặt đất cho cả giai đoạn bình thường và bão mặt trời; mô hình ước tính sự ảnh hưởng của xạ trị bằng hạt tích điện. Ông là một thành viên của Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ Phóng xạ (International Commission on Radiological Protection - ICRP) từ năm 2017. Ông đã công bố hơn 140 bài báo trong đó có 14 bài là tác giả chính, các bài báo được trích dẫn hơn 3000 lần với chỉ số h-index của ông là 25 (theo Google Scholar).
PHITS (Particle and Heavy Ion Transport code System) là mã lập trình được sử dụng phục vụ cho mục đích mô phỏng sự vận chuyển bức xạ thông qua phương pháp Monte Carlo và được phát triển dưới sự hợp tác JAEA, RIST, KEK và một số viện nghiên cứu trên toàn thế giới. PHITS có thể hỗ trợ các nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ máy gia tốc, xạ trị, an toàn bức xạ nhiều lĩnh vực khác liên quan đến quá trình vận chuyển bức xạ… PHITS code đã và đang được sử dụng bởi hơn 4000 người tại các quốc gia trên toàn thế giới.
Tham dự khóa đào tạo có 26 học viên trong và ngoài nước, đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Điện Lực, Đại học Duy Tân, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Viện KH&KTHN, Trung tâm Kỹ thuật hạt nhân TP. Hồ Chí Minh, Viện Ứng dụng Công nghệ thông tin và Bức xạ và các quốc gia Mỹ, Trung Quốc. Cuối khóa học, các học viên đều đánh giá cao sự hữu ích của chương trình mô phỏng PHITS code áp dụng vào trong công tác nghiên cứu của họ và mong muốn khóa học PHITS code nâng cao sẽ được tổ chức tiếp tục vào năm tới.
Khóa đào tạo được tổ chức thành công. Điều này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, một công việc đang tiếp tục được chú trọng tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân trong giai đoạn hiện nay.
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân