• Hợp tác - Đào tạo
  • Đào tạo

Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Đỗ Công Cương

       Sáng ngày 05/5/2015, tại Viện Vật lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã diễn ra buổi lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Vật lý lý thuyết và vật lý toán (mã số 62 44 01 03) của nghiên cứu sinh (NCS) Đỗ Công Cương (Trung tâm Vật lý hạt nhân – Viện KH&KTHN) với đề tài luận án: “Nghiên cứu cấu trúc và tương tác hạt nhân trong phản ứng tán xạ alpha-hạt nhân”. Luận án được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Đào Tiến Khoa (Viện KH&KTHN)

 

       Các phản ứng tán xạ hạt nhân bao gồm tán xạ đàn hồi và phi đàn hồi, mà một trường hợp riêng là tán xạ alpha – hạt nhân, được xem là phương pháp quan trọng trong nghiên cứu vật lý cấu trúc hạt nhân. Hạt alpha có spin và spin đồng vị bằng không, do đó tán xạ alpha là công cụ hiệu quả để nghiên cứu các trạng thái kích thích đồng vị vô hướng (isoscalar) của hạt nhân. Luận án tập trung phân tích số liệu tiết diện tán xạ α + 12C và α + 208Pb phi đàn hồi để nghiên cứu cấu trúc các hạt nhân 12C và 208Pb tại các trạng thái kích thích vô hướng. Các kết quả thu được của luận án có thể tóm tắt như sau:

       - Trong khuôn khổ mẫu folding, đã xây dựng được thế quang học α-hạt nhân dựa trên tương tác NN hiệu dụng CDM3Y6 và CDJLM để có thể sử dụng mẫu quang học trong phân tích các số liệu tiết diện tán xạ đàn hồi của hạt α trên các hat nhân bia bền 12C và 208Pb trong dải năng lượng từ 100 đến 400 MeV.

       Đối với nội dung nghiên cứu cấu trúc mức kích thích 02+ và 22+, và mật độ hạt nhân 12C dựa trên số liệu tán xạ đàn hồi α + 12C:

       - Đã tiến hành phân tích tính toán CC cho tiết diện tán xạ α + 12C phi đàn hồi kích thích lên trạng thái Hoyle, các kết quả phân tích đã dẫn đến giá trị (gần nhất với thực nghiệm, mặc dù vẫn thấp hơn 20%) của mômen dịch chuyển điện tích M(E0; 02+ à01+) ≈ 4.5 efm2  

       - Các phân tích DWBA2 và CC cho số liệu tán xạ (α,α’) ở năng lượng 240 và 386 MeV đã dẫn đến giá trị B(E3) ≈ 60 e2fm6. Giá trị này khá gần với số liệu thu được từ tán xạ (e,e’)

       - Kết quả tính DWBA và CC tốt nhất đối với số liệu tại 240 MeV khi tìm được giá trị M(E0; 03+ à 01+) ≈ 2.9 efm2 mà phù hợp với phân tích DWBA của các nhóm NC khác,

       - Đã xác định được cường độ dịch chuyển điên tích từ trạng thái cơ bản lên trạng thái 2+ tại Ex ~ 10 MeV của trạng thái Hoyle là B(E2;22+ à 01+) = 0.6 e2fm4

       Đối với nội dung nghiên cứu các trạng thái kích thích cao của 208Pb dựa trên số liệu tán xạ phi đàn hồi α + 208Pb:

       - Đã xây dựng được thế dịch chuyển hạt nhân α + 208Pb dùng cho tính toán DFM+DWBA tán xạ (α,α’) phi đàn hồi kích thích các cộng hưởng khổng lồ với thế tán xạ xây dựng từ mật độ RPA vi phân, cho sự phù hợp với số liệu thực nghiệm.

        Hội đồng chấm luận án do PGS-TS Lê Hồng Khiêm-Viện trưởng Viện Vật lý làm chủ tịch đã đánh giá cao ý nghĩa khoa học, tính phong phú và độ tin cậy các kết quả  của luận án.  Điều này được thể hiện qua số lượng và chất lượng của các công bố, bao gồm 04 bài báo quốc tế trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín và 02 báo cáo hội nghị quốc tế, trong đó tác giả luận án có vai trò quan trọng.

       Hội đồng và giáo viên hướng dẫn khoa học cũng ghi nhận những nỗ lực của NCS trong nhiều năm học tập, làm việc và kiên trì theo đuổi hướng nghiên cứu nhiều triển vọng, có ý nghĩa khoa học, nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự say mê cao.

 

       Mặc dù còn một vài thiếu sót trong phần trình bày, song tất cả thành viên Hội đồng chấm luận án (6/6) đã khẳng định luận án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một luận án tiến sĩ và bỏ phiếu  nhất trí đánh giá luận án đạt kết quả xuất sắc.

 

 

Thông báo

Khách online: 0

Lượt truy cập: 44583