• Tin tức
  • Tin tổng hợp

Lớp đào tạo hướng dẫn cài đặt và sử dụng hệ phần mềm ARGOS để đánh giá phát tán phóng xạ trong môi trường không khí

 Trong ba ngày từ 30/09/2019 đến 02/10/2019, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) cùng với Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ và thiết bị (TCT) đã tổ chức lớp đào tạo hướng dẫn cài đặt và sử dụng hệ phần mềm ARGOS để đánh giá phát tán phóng xạ trong môi trường không khí tại Trung tâm điều hành Mạng lưới quan trắc – cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, Viện KH&KTHN.

       Tham dự lớp đào tạo chủ yếu là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Quan trắc phóng xạ và Đánh giá tác động môi trường và một số cán bộ của các Trung tâm khác thuộc Viện KH&KTHN. Giảng viên của lớp đào tạo là ông Jan Pehrsson -chuyên gia phần mềm của Trung tâm phát triển prolog (PDC-Prolog Development Center) của Đan Mạch.

       ARGOS (Accident Reporting and Guiding Operational System) là một hệ thống phần mềm chuyên dụng được phát triển bởi PDC hợp tác với Cục quản lý khẩn cấp Đan Mạch (DEMA- Danish Emergency Management Agency).

       Đây là một hệ thống được sử dụng để đánh giá hậu quả và hỗ trợ ra quyết định trong trường hợp khẩn cấp hạt nhân, phóng xạ hoặc hóa học. Phiên bản đầu được phát hành từ năm 1993, khi đó nó chỉ là một ứng dụng trình bày dữ liệu đơn giản nhưng đến nay ARGOS đã được phát triển thành một hệ thống phần mềm hoàn hảo và hiện đại, một nền tảng tinh tế tích hợp dữ liệu giám sát phóng xạ, mô hình phân tán khí quyển và tính toán liều lượng trong chuỗi thức ăn và trong môi trường đô thị.

       Tính đến nay, ARGOS đã được sử dụng để hỗ trợ các tổ chức quản lý khẩn cấp tại 13 quốc gia như Úc, Canada, Nauy, Braxin, Ai Len, Ba Lan, Thụy Điển… bao gồm hơn 400 triệu người trên toàn thế giới. Hàng chục cơ sở nghiên cứu trên thế giới cũng đã và đang nghiên cứu khai thác công năng của hệ thống phần mềm ARGOS này.

       Một cách tóm tắt có thể nói rằng ARGOS là một hệ thống phần mềm thu thập các dữ liệu liên quan, quản lý, xử lý và cung cấp cho chúng ta các thông tin hữu ích để:

- Có được sự nhìn nhận tổng quan về tình huống quan tâm;

- Có được đánh giá về sự thay đổi và phát triển của tình huống;

- Có được đánh giá về hậu quả có thể xảy ra;

- Hỗ trợ ra quyết định về các biện pháp ứng phó phù hợp (trong ngắn hạn, khẩn cấp hoặc dài hạn);

- Xử lý thông tin cho những người ra quyết định.

       Giao diện chung của mô hình ARDOS được thể hiện trong hình dưới đây:

       Liên quan đến phóng xạ, ARGOS có thể được sử dụng để đối phó với ô nhiễm phóng xạ từ các vụ tai nạn hoặc từ các sự kiện khủng bố với bom bẩn hoặc các thiết bị hạt nhân.

       Liên quan đến hạt nhân, ARGOS được thiết kế từ kinh nghiệm của vụ tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, và được sử dụng rất nhiều trong sự cố ở Fukushima và hiện nay là một công cụ có khả năng hỗ trợ ứng phó được với tất cả các giai đoạn của sự cố hạt nhân.

       Liên quan đến hóa học, ARGOS có thể ước tính được sự phân tán trong khí quyển của khí thải và khói từ các đám cháy - liên quan đến các chất ô nhiễm và đưa ra các đề xuất cho các khu vực khẩn cấp và khoảng cách an toàn liên quan đến từng chất ô nhiễm.

       Liên quan đến sinh học, ARGOS có thể đưa ra tiên lượng cho sự phân tán trong khí quyển của các tác nhân sinh học.

       Mặc dù thời gian đào tạo chưa nhiều nhưng các cán bộ tham dự lớp học cơ bản đã nắm được các thủ tục để cài đặt phần mềm và đặc biệt là đã biết cách sử dụng phần mềm để thực hiện một số bài tập thực hành mô phỏng sự lan truyền các chất phóng xạ trong không khí từ một số nhà máy điện hạt nhân ngoài biên giới đến khu vực phía Bắc nước ta, biết cách tính toán nồng độ các nhân phóng xạ, suất liều do chúng gây ra, biết cách đánh giá xác định khu vực bị ảnh hưởng hoặc cần sơ tán dân cư cũng như xác định được khu vực cần kiểm soát sử dụng lương thực thực phẩm...

       Hy vọng rằng hệ thống phần mềm ARGOS này sẽ là một trong những công cụ chuyên dụng mạnh mẽ của Trung tâm điều hành Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, giúp cho việc vận hành Mạng lưới đem lại hiệu quả thiết thực nhất.

       Dưới đây là một số hình ảnh về lớp học:

 

 

 TS. Vương Thu Bắc

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Thông báo

Khách online: 0

Lượt truy cập: 39000