- Tin tức
- Tin tổng hợp
Năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam
Xin gửi lời chào trân trọng đến Cộng đồng Vật lý sức khoẻ Nhật Bản. Tiến sỹ KOSAKO đã đề nghị tôi giới thiệu cho hơn 1.100 thành viên của Tạp chí Vật lý sức khoẻ của Nhật Bản về thành công và triển vọng tương lai của Việt Nam về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đich hoà bình. Đây là một vinh dự lớn đối với tôi vì đã được đề nghị làm việc này và tôi lấy làm hân hạnh và cố gắng để đáp ứng. (Xem Video)
Thực tế đã chứng tỏ rằng: sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hoà bình đã và đang mang lại những lợi ích to lớn cho nhân loại. Đối với Việt Nam, trong những năm qua, khoa học và kỹ thuật hạt nhân đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Sau đây, là những hoạt động và thành tựu nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã hoạt động an toàn và được khai thác hiệu quả trong hơn 20 năm qua kể từ khi được khôi phục và nâng cấp năm 1984. Hiện nay, ngoài việc nghiên cứu và đào tạo cán bộ, Lò phản ứng hàng năm sản xuất hơn 20 loại đồng vị và dược chất phóng xạ phục vụ cho chẩn đoán và điều trị hàng trăm nghìn bệnh nhân. Lò phản ứng cũng là nơi đã tiếp nhận nhiều cán bộ nước ngoài đến thực tập và trao đổi chuyên môn, trong đó có các cán bộ khoa học của một số nước thành viên của FNCA. Trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ thuật hạt nhân đã được nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả để tạo giống cây trồng, chế tạo các chế phẩm kích thích tăng trưởng và bảo vệ thực vật, sản xuất phân vi sinh, quản lý đất, nước, phân bón và nghiên cứu bệnh học gia súc. Một số giống cây trồng có giá trị đã được tạo ra bằng kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt các giống lúa năng suất, chất lượng cao và thích ứng cho các môi trường sinh thái khác nhau. Những thành tựu của áp dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp đã góp phần vào Chương trình quốc gia về an ninh lương thực, xuất khẩu lúa gạo và xoá đói giảm nghèo. Kỹ thuật hạt nhân đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông và gần đây trong nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu suất trong thăm dò và khai thác dầu khí. Năm 2004 Bộ KH &CN đã đầu tư xây dựng Trung tâm kỹ thuật NDT hiện đại cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam để tăng cường các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng kỹ thuật NDT ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực y tế, mạng lưới y học hạt nhân đã hình thành trong cả nước với trên 20 cơ sở phục vụ hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Các kỹ thuật hiện đại trong điều trị ung thư cũng đã được phát triển ở Việt Nam như xạ trị bằng máy gia tốc. Để nhanh chóng áp dụng các công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chủ trương cho thực hiện Dự án thành lập Trung tâm PET -Cyclotron 30MeV ở Hà Nội và Trung tâm Cyclotron 18MeV ở Thành phố Hồ Chí Minh. Về ứng dụng công nghệ bức xạ, sau thành công của Trung tâm Chiếu xạ Tp. Hồ Chí Minh với hiệu quả cao về kinh tế, 2 trung tâm chiếu xạ mới sử dụng công nghệ gia tốc điện tử và nguồn bức xạ Co-60 đã được xây dựng ở phía Nam. Năm 2004, Bộ KH &CN đã đầu tư một khoản ngân sách lớn cho Dự án nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội với mục tiêu đẩy mạnh hướng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ cho khu vực phía Bắc Việt Nam.
Trong lĩnh vực địa chất thủy văn và nghiên cứu môi trường, kỹ thuật đồng vị đã được nghiên cứu ứng dụng trong quản lý và khai thác nước ngầm ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng Nam Bộ. Để phục vụ cho nghiên cứu về địa chất thủy văn, Bộ KH &CN đã đầu tư một hệ khối phổ kế hiện đại cho Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam. Đây là thiết bị hiện đại nhất hiện nay trong khu vực theo đánh giá của các chuyên gia IAEA và Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trong lĩnh vực này. Các nghiên cứu về môi trường sử dụng kỹ thuật hạt nhân đã thu được nhiều kết quả trong những năm vừa qua phục vụ tốt nhiệm vụ quan trắc phóng xạ môi trường cũng như đánh gia hiện trạng các nguồn ô nhiễm và công nghệ xử lý.
Việc quản lý chất thải và các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng từng bước được kiện toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay việc thống kê các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng đã được hoàn thành. Các cơ sở và thiết bị lưu giữ và điều kiện hoá chất thải phóng xạ được tăng cường và nâng cấp.
Phát triển nguồn nhân lực hạt nhân được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất và cần phải được quan tâm đi trước một bước trong các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) ở Việt Nam. Sự hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo về NLNT ở Việt Nam đã được tăng cường và đẩy mạnh. Các hình thức hợp tác quốc tế đa phương trong khuôn khổ IAEA, RCA và FNCA cũng như song phương với các nước, đặc biệt với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, … đã tạo ra những cơ hội rất tốt cho việc đào tạo cán bộ về ứng dụng NLNT trong các ngành kinh tế - xã hội, an toàn bức xạ và hạt nhân, xây dựng luật hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường.
Đánh giá vai trò quan trọng và sự cần thiết phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử, Chính phủ Việt Nam đã xác định: Nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình là một trong những hướng trọng điểm của Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ của Việt Nam từ nay đến năm 2010.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tăng cường hợp tác quốc tế về NLNT có vị trí quan trọng để đảm bảo việc sử dụng NLNT chỉ vào mục đích hoà bình. Chính vì vậy, Việt Nam đánh giá cao hợp tác quốc tế về NLNT, coi đây là một nguồn lực quan trọng đối với việc phát triển ngành NLNT Việt Nam.
Tôi xin kết thúc bài viết ở đây và xin gửi đến các quí vị những lời chúc tốt đẹp nhất, xin chúc cho Cộng đồng Vật lý sức khỏe Nhật Bản một tương lai sán lạn nhân dịp Năm Mới sắp đến.
PGS. TS Vương Hữu Tấn
Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam