- Nghiên cứu - Phát triển
- Hoạt động khoa học
Nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở năm 2014: “Nghiên cứu thiết lập quy trình đánh giá liều chiếu trong trên máy đo liều toàn thân Accuscan model 2260”
Nhiệm vụ Khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2014: “Nghiên cứu thiết lập quy trình đánh giá liều chiếu trong trên máy đo liều toàn thân Accuscan model 2260” do ThS. Trần Thanh Hà làm chủ nhiệm được phê duyệt giao thực hiện từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2014 với tổng kinh phí là 40 triệu đồng. Mục tiêu của nhiệm vụ là xây dựng thành công quy trình vận hành, hiệu chuẩn cho máy đo liều toàn thân ACCUSCAN Model 2260 với nguồn chuẩn và phantom chuẩn, đồng thời xây dựng được quy trình đánh giá liều chiếu trong (liều tương đương cho cơ quan phổi, dạ dày, tuyến giáp) bằng phương pháp tính toán. Hệ máy đo liều toàn thân ACCUSCAN Model 2260 đặt tại Trung tâm An toàn bức xạ - Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân là hệ máy đo liều đầu tiên ở Việt Nam. Dựa trên kỹ thuật invivo, hệ máy này có thể xác định được liều chiếu trong cho các đối tượng bị nhiễm các vật chất phóng xạ vào trong cơ thể. Đây là kỹ thuật chưa từng được nghiên cứu đánh giá ở Việt Nam do vậy nhiệm vụ này được đánh giá là có tính mới và có ý nghĩa khoa học. Nhiệm vụ giúp việc kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ máy và công tác vận hành, hiệu chuẩn hệ máy hiệu quả cũng như giúp cho công tác xác định liều chiếu trong dễ dàng và đáng tin cậy.
- Nội dung 1: Tổng quan các tài liệu về kỹ thuật in vi-vo, về tình hình phát triển các hệ máy đo liều và các nghiên cứu hiệu chuẩn cho hệ máy đo liều toàn than WBC, phantom chuẩn, về tình hình các nghiên cứu đánh giá liều trên hệ đo WBC
- Nội dung 2: Vận hành hệ máy đo, tìm hiểu thiết kế che chắn giảm phông cho hệ máy đo liều:
+ Mô tả hệ đo, vận hành hệ máy đo
+ Tìm hiểu thiết kế che chắn giảm phông bức xạ cho hệ máy đo liều
- Nội dung 3: Xây dựng quy trình hiệu chuẩn hệ máy đo và tính toán đánh giá liều:
+ Xây dựng đường chuẩn năng lượng/ FWHM
+ Xây dựng đường chuẩn hiệu suất ghi
+ Phân tích kiểm tra số đếm chuẩn
+ Tính toán ngưỡng phát hiện (giá trị hoạt độ nhỏ nhất có thể ghi nhận)
+ Đánh giá liều chiếu trong (liều tương đương cho cơ quan phổi, dạ dày, tuyến giáp) bằng phương pháp tính toán
Sau 1 năm triển khai thực hiện, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung chính đã đề ra và từ đó đã đưa ra được quy trình vận hành hệ máy đo hiệu quả và quy trình đánh giá liều chiếu trong bằng phương pháp tính tay. Tuy nhiên, do mất nhiều thời gian vào việc kiểm tra hệ đo và làm các thực nghiệm kiểm tra hình học đo nên tới thời điểm xoay lại các detector thì một số đồng vị trong bộ nguồn chuẩn đã phân rã hết hoặc hoạt độ còn lại nhỏ. Bên cạnh đó, việc bổ sung các nguồn đơn năng để thay thế cũng gặp khó khăn khi không chọn được nguồn thích hợp nên nhóm nghiên cứu đã dựa trên khảo sát một vài đỉnh năng lượng để xây dựng đường chuẩn hiệu suất ghi và so sánh với đường chuẩn cũ. Do phantom chuẩn được dựa trên người chuẩn Châu Âu và các số liệu liên quan đến hệ số liều, hàm giữ lại/bài tiết cũng dựa trên người Châu Âu nên kết quả đo cũng sẽ có phần sai số do người Việt Nam có ngoại hình nhỏ hơn. Quy trình hướng dẫn vận hành và quy trình đánh giá liều chiếu trong thiết lập từ nghiên cứu này mới thực hiện trên nguồn chuẩn và phantom chuẩn nên đòi hỏi cần có thử nghiệm nghiên cứu, đo đạc trên người cụ thể để hệ đo này đi vào hoạt động thường xuyên và hiệu quả.
Sản phẩm của nhiệm vụ là 02 Quy trình: Quy trình hướng dẫn vận hành hệ máy đo và Quy trình đánh giá liều chiếu trong bằng phương pháp tính toán. Nhiệm vụ đã được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thành lập Hội đồng KH&CN nghiệm thu chính thức ngày 16/5/2016 và đã hoàn thành các thủ tục để thanh lý hợp đồng.