- Tin tức
- Tin tổng hợp
Rò rỉ phóng xạ từ phòng thí nghiệm hạt nhân ở Nhật Bản
Theo hãng thông tấn AP TOKYO, đã xuất hiện sự rò rỉ phóng xạ trong một phòng thí nghiệm nghiên cứu nguyên tử ở phía Bắc của Nhật Bản. Sự cố này ảnh hưởng đến 55 người, tuy nhiên họ không phải nhập viện và dự đoán không có những tác động nghiêm trọng bên ngoài cơ sở thí nghiệm này, theo phát biểu của nhân viên điều hành phòng thí nghiệm vào thứ 7, ngày 25/05/2013.
Cơ quan năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) cho hay: Sự cố xuất hiện vào thứ 5, 23/05/2013, tại cơ sở thực nghiệm Hadron thuộc Khu liên hợp máy gia tốc proton của Nhật Bản, đặt ở Tokaimura, nơi có ít nhất hai sự cố phóng xạ xảy ra.
Vào thời điểm xảy ra sự cố, các nghiên cứu viên đang chiếu một chùm proton vào một tấm kim loại vàng để tiến hành thí nghiệm, khi đó xảy ra hiện tượng quá nhiệt làm hóa hơi và phát thải đồng vị phóng xạ vàng. Ban đầu sự rò rỉ vẫn được khoanh vùng trong phạm vi phòng thí nghiệm, cho đến khi quạt thông gió được vận hành làm lan truyền phóng xạ ra bên ngoài.
JAEA đang tiến hành những nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của phóng xạ rò rỉ tới môi trường, và hy vọng rằng không có hậu quả nghiêm trọng trong phạm vi diện tích bao quanh phòng thí nghiệm.
Vào thứ 7, các quan chức của JAEA và nhóm nghiên cứu viên đã xin lỗi về sự cố này. Bộ trưởng bộ giáo giục, Hakubun Shimomura, lấy làm tiếc vì đã xảy ra sự cố này.
Cơ quan Thông tấn Kyodo đưa tin, trong sự cố 6 nghiên cứu viên được phát hiện trong tình trạng phơi nhiễm phóng xạ. Những đánh giá bước đầu cho thấy có khoảng 24 người khác cũng bị ảnh hưởng bởi phóng xạ. JAEA thông báo liều phóng xạ cao nhất xạ đo đạc được là 1,7 millisievert, tương đương với liều phóng xạ trung bình mà người dân Nhật Bản phải chịu mỗi năm. Các nhân viên làm việc trong lĩnh vực hạt nhân được giới hạn ở mức 100 millisievert trong vòng 5 năm.
Do tin tưởng vào việc rò rỉ có thể được khắc phục bằng che chắn sử dụng chì, bộ phận nghiên cứu này đã trì hoãn việc thông báo sự cố cho tới thứ 6, ngày 24/05/2013. Đến thời điểm đó, giới chức của địa phương và cơ quan pháp quy về hạt nhân mới được thông báo về tai nạn, hoạt động của cơ sở nghiên cứu đã bị đình chỉ ngay lập tức.
Ngành công nghiệp hạt nhân Nhật Bản chìm trong khủng khoảng từ tai nạn ở nhà máy điện Fukushima Dai-ichi trong năm 2011, thảm họa năng lượng hạt nhân tồi tệ nhất ở đất nước này. Hầu hết các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản vẫn đang đóng cửa để tiến hành những kiểm tra an toàn.
Ngày 17/05, giám đốc JAEA, Atsuyuki Suzuki, đã từ chức sau khi cơ quan giám sát hạt nhân của nước này thông báo về việc lò phản ứng thế hệ mới Monju không được phép tái khởi động do vi phạm những tiêu chuẩn an toàn. Monju được xây dựng với mục đích xử lý chất thải hạt nhân và giảm lượng dự trữ plutoni của Nhật Bản.
Tokaimura là nơi xảy ra sự cố hạt nhân tồi tệ thứ hai ở Nhật Bản vào tháng 9 năm 1999. Trong sự cố đó, hai công nhân đã bị chết bởi phóng xạ ở một cơ sở tái xử lý nhiên liệu khi cố gắng tiết kiệm thời gian trong quy trình hòa trộn urani. Hàng trăm người đã bị phơi nhiễm phóng xạ, và hàng nghìn người đã được sơ tán để đảm bảo an toàn do sự cố này. Chính phủ đã xếp sự cố đó vào mức 4 trong thang phân loại sự cố hạt nhân gồm 7 mức của thế giới. Trước đó, vào tháng 03 năm 1997, có ít nhất 37 công nhân bị phơi nhiễm phóng xạ liều thấp khi xảy ra cháy nổ ở một nhà máy tái chế hạt nhân khác ở Tokaimura.
Hình ảnh bên trong phòng nghiên cứu hạt nhân J-PARC ở Tokaimura, quận Ibaraki, chụp ngày thứ 7, 25/05/2013 (Ảnh: AP)
Hình ảnh giới chức địa phương khảo sát bên trong phòng thí nghiệm hạt nhân J-PARC ngày 25/05/2013 (Ảnh: Kyodo News)
Sự cố xảy ra ngày 23/05/2013 một lần nữa cảnh báo về những nguy cơ trong những thí nghiệm và ứng dụng hạt nhân. Những hoạt động này cần có những quy trình và thủ tục nghiêm ngặt khi tiến hành, nhằm đảm bảo mức độ an toàn tối đa cho con người và môi trường.
Tổng hợp: Phạm Tuấn Nam, INST
(Nguồn: http://www.westport-news.com)