• Tin tức
  • Tin tổng hợp

Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Chủ trương lớn được nhân dân ủng hộ

(Chinhphu.vn) – Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26.

Mỗi kilogam uranium có thể tạo ra năng lượng gấp 20.000 lần so với cùng trọng lượng than đá, khiến hạt nhân trở thành nguồn năng lượng lý tưởng cho một tương lai không còn nỗi lo thiếu điện

Ngày 25/11/2009, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm nhà máy 1 và 2, với tổng công suất 4.000MW. Tổng mức đầu tư theo 3 kịch bản thấp 10,8 tỷ USD, cao là 11,2 tỷ USD và 12,2 tỷ USD, trên diện tích 1.642 ha.

Theo Nghị quyết 41 của Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể số 460 ngày 18/3/2010, chia dự án này thành 7 dự án thành phần trong đó EVN được giao làm chủ đầu tư 6 dự án (chủ yếu là kỹ thuật, nhà máy) và tỉnh Ninh Thuận 1 dự án (di dân tái định cư).

Năm 2010, 2011, thực hiện chủ trương của Trung ương, Chính phủ đã tiến hành đàm phán với 2 nước Nga và Nhật Bản. Nga đã đồng ý hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân với công suất là 2.000 MW và hỗ trợ về vốn. Còn Nhật Bản thì thống nhất hỗ trợ về kỹ thuật xây dựng nhà máy điện hạt nhân 2 và hỗ trợ về vốn.

Tuy nhiên, đến ngày 26/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế – xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023 và hỗ trợ Ninh Thuận phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Sau khi dự án dừng thực hiện theo Nghị quyết số 31, thì các địa điểm này (1.642ha) đã được quy hoạch làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng để có thể tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền.

Sau 25 năm, đến ngày 25/11/2024 thực hiện nghị quyết của Trung ương, Quốc hội ra nghị quyết tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Chủ trương được nhân dân ủng hộ

Về điện hạt nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển. Trong lịch sử có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân nhưng xét về xác suất là vô cùng thấp. Hơn nữa, những công nghệ hạt nhân hiện nay đã tiến bộ rất xa, trải qua rất nhiều thế hệ mới so với những công nghệ cũ trước đây.

Vừa qua, Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng dự án này, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết và được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.

Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 85.000MW, cần có thêm khoảng 70.000MW vào năm 2030, tức khoảng 150.000MW. Đến năm 2050, tổng công suất cần đạt là 400.000 đến 500.000MW. Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26. Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.

Nói về việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh – cho biết, từ khi tạm dừng chủ trương đầu tư Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đến nay đã 8 năm, nhân dân vùng dự án mong muốn sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Khi nghe tin Trung ương và Quốc hội có chủ trương tiếp tục đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhân dân vùng dự án và cử tri Ninh Thuận luôn đồng tình, tin tưởng, chấp hành các quyết định, chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng.

“Đây là vinh dự rất lớn lao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận khi Trung ương, Quốc hội quyết định tiếp tục khởi động dự án trong bối cảnh tình hình yêu cầu phải đủ nguồn cung năng lượng, nhất là năng lượng sạch, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai theo hướng bền vững hơn”, ông Trần Quốc Nam cho biết.

Thông tin thêm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Từ khi có chủ trương làm dự án điện hạt nhân, chúng ta đã cử 323 sinh viên đi học các trường của Nga; 31 sinh viên và 24 kỹ sư là cán bộ khung đi học ở Nhật Bản. Số nhân lực này một số làm việc ở Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), phần đông là làm việc ở Mỹ và các nước châu Âu. Có nhiều người đang làm việc ở Pháp, Ukraine, Nga sẵn sàng trở về Việt Nam làm việc nếu các dự án điện hạt nhân tái khởi động.

Những việc cần làm ngay

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để khẩn trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Công Thương sẽ thực hiện 10 việc cần làm ngay.

Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương, EVN để rà soát và bổ sung quy hoạch liên quan đến 2 dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào Quy hoạch điện VIII. Dự án này dự kiến sẽ được khởi động lại từ tháng 1/2025 và chúng ta cần hoàn thành các công đoạn này trước tháng 3/2025, dự kiến phát điện trước 2035. Đây là một công việc rất quan trọng, bởi trước đó dự án đã bị đóng băng do nhiều lý do, nhưng việc tái khởi động là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu xây dựng và ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực sửa đổi theo qui trình rút gọn, có hiệu lực cùng với hiệu lực của Luật Điện lực sửa đổi (1/1/2025) kèm theo đó là các cơ chế, chính sách cụ thể cho các dự án điện lực.

“Điều đáng mừng là Luật Điện lực sửa đổi đã có các chương quy định về điện hạt nhân, trong đó có các cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư và khuyến khích đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thứ ba, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, rà soát các công việc và triển khai để giao EVN làm chủ đầu tư các dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Việc này sẽ làm và phải hoàn thành xong trước ngày 1/2/2025 để trùng với thời điểm các quy định có hiệu lực.

Thứ tư, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền để xin chủ trương tái đàm phán, ký Hiệp định với Nga hoặc Nhật Bản theo cam kết cũ là vừa hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vừa hỗ trợ về tài chính, ưu đãi. Hiện nay công nghệ đã thay đổi, chúng ta cũng cần rà soát đàm phán lại để xem áp dụng công nghệ nào, vốn vay ra sao, lộ trình thực hiện thế nào? Việc này muộn nhất trong quý I/2025, khi có chủ trương là lên đường đàm phán ngay.

Thứ năm, chủ đầu tư (EVN) phải khẩn trương thuê tư vấn để rà soát, cập nhật các thông tin, điều chỉnh dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại chủ trương đầu tư hoàn chỉnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo quy định, các dự án đầu tư lớn 10 tỷ USD phải đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Dự kiến, dự án này sẽ được trình lên Quốc hội muộn nhất là vào đầu quý II/2025.

Thứ sáu, sau khi có chủ trương đầu tư dự án mới theo quyết định của cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư sẽ chọn tư vấn xây dựng dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo tiền khả thi (FS) ngay đầu quý III/2025.

Thứ bảy, chủ đầu tư EVN rà soát lại nguồn nhân lực đã được đào tạo. Nếu còn điều kiện và có nguyện vọng tiếp tục phối hợp với các đối tác đào tạo lại; đồng thời lập kế hoạch đào tạo mới, chú trọng các đối tác có hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công nghệ. Việc này hoàn thành trong quý II/2025.

Thứ tám, EVN khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung (nếu cần) và tiếp tục triển khai xây dựng các dự án hạ tầng điện, nước, khu quản lý vận hành, khu chuyên gia, nhà điều hành… Tất cả những gì chuẩn bị cho dự án này là phải triển khai ngay, không chần chừ, không chờ đợi, không có bất kỳ sự trì hoãn nào.

Thứ chín, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai dự án di dân tái định cư. Vướng việc gì cần báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ.

Thứ mười, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định “phải làm thật tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong nhân dân”.

Trong nhóm 10 công việc cần thực hiện ngay này, người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu 7 nhóm công việc đầu tiên sẽ hoàn thành theo lộ trình đã báo cáo còn 3 nhóm cuối cần phải triển khai luôn.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của thế giới

Việt Nam trong những năm gần đây đang phải đối mặt với bài toán năng lượng ngày càng khó khăn. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, cùng với sự thay đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao, đòi hỏi một cơ cấu năng lượng mới, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Thông tin từ EVN cho thấy nhu cầu điện năng của Việt Nam đã tăng trưởng trung bình gần 10% mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020 và dự báo sẽ tăng gấp ba lần trong vòng 10 năm tới.

“Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp”, ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho hay. Để giải quyết vấn đề này, việc phát triển các nguồn năng lượng mới như điện hạt nhân là một giải pháp khả thi.

Nhìn lại lịch sử của điện hạt nhân, kể từ khi năng lượng hạt nhân thương mại lần đầu tiên ra đời vào những năm 1950 và 1960, các chính phủ trên toàn thế giới đã bị cuốn hút bởi tiềm năng vô tận mà nó mang lại. Các lò phản ứng hạt nhân có thể khai thác và kiểm soát sức mạnh vô cùng lớn của phân hạch nguyên tử, biến chúng thành một nguồn năng lượng dồi dào và giá rẻ. Mỗi kilogam uranium có thể tạo ra năng lượng gấp 20.000 lần so với cùng trọng lượng than đá, khiến hạt nhân trở thành nguồn năng lượng lý tưởng cho một tương lai không còn nỗi lo thiếu điện.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là những lo ngại lớn về an toàn và tác động của các sự cố hạt nhân như thảm họa Chernobyl vào năm 1986 và sự cố Fukushima tại Nhật Bản vào năm 2011, những sự cố khủng khiếp này đã làm lung lay niềm tin của công chúng toàn cầu nói chung và ở những nước đang vận hành các cơ sở phản ứng hạt nhân nói riêng đối với công nghệ này.

Giai đoạn 2011-2020, trong khi nhiều quốc gia phương Tây và châu Á đang hạn chế phát triển năng lượng hạt nhân, Trung Quốc lại đang gia tăng mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực này. Tính đến năm 2020, Trung Quốc có 55 lò phản ứng hoạt động và dự kiến sẽ có thêm ít nhất 23 lò phản ứng mới trong thời gian tới. Điều này cho thấy năng lượng hạt nhân vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với các quốc gia đang phải đối mặt với nhu cầu điện năng gia tăng.

Mới đây, tháng 8/2024, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã công bố dữ liệu mới nhất về năng lượng hạt nhân và kinh nghiệm vận hành năm 2023, phản ánh một giai đoạn chuyển biến quan trọng đối với công nghệ năng lượng sạch này.

Theo số liệu từ Hệ thống thông tin lò phản ứng điện (PRIS) của IAEA, năng lượng hạt nhân vẫn đóng góp gần 10% tổng sản lượng điện toàn cầu và chiếm 1/4 lượng điện năng phát thải thấp. Năm 2023, Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu trong sản xuất điện hạt nhân, tiếp sau là Trung Quốc và Pháp. Đặc biệt, Trung Quốc đã nổi bật với việc khởi công xây dựng 5 lò phản ứng mới, khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Dữ liệu năm 2023 của IAEA được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới ngày càng thể hiện tham vọng lớn đối với công nghệ hạt nhân, đặc biệt khi nhiều lò phản ứng hiện có đã đạt tuổi thọ ít nhất 30 năm. Tại Hội nghị Biến đổi khí hậu COP28 vào tháng 12/2023, 198 quốc gia đã kêu gọi đẩy nhanh triển khai các công nghệ năng lượng phát thải thấp, trong đó có năng lượng hạt nhân, nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hơn 20 quốc gia cam kết tăng gấp ba công suất điện hạt nhân toàn cầu, đánh dấu một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ tới.

Tính đến cuối tháng 8/2024 trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành với tổng công suất lắp đặt khoảng 373.735MW và 62 lò đang xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971MW. Hiện có 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân và khoảng 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.

Có thể thấy, để Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, điện hạt nhân là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền và cung cấp ổn định, đây cũng là nguồn điện xanh và bền vững. Do đó, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong tương lai để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là cần thiết.

Phan Trang

Nguồn: https://baochinhphu.vn/

Thông báo

Khách online: 0

Lượt truy cập: 85501