• Tin tức
  • Tin tổng hợp

Tổng hợp thông tin điện hạt nhân trên thế giới năm 2018

Tổng quan

       Theo số liệu cập nhật từ Hệ thống thông tin lò phản ứng công suất, PRIS - IAEA, tính đến ngày 22/11/2018, trên thế giới đang có 454 lò phản ứng đang vận hành, với tổng công suất là 400.285 MW- điện; 54 lò phản ứng đang trong quá trình xây dựng và dự kiến sẽ cung cấp thêm 55.013 MW- điện.

       Điện hạt nhân (ĐHN) đang chiếm khoảng 11% tổng sản lượng điện trên toàn thế giới, được coi là một trong những nguồn năng lượng phát thải các-bon thấp, đóng góp vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Sự cố Fukushima (Nhật Bản, 2011) cũng có những tác động tương tự như Chernobyl (Liên Xô, 1986), định hình lại chính sách của một số quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển ĐHN trên toàn thế giới. Một số nước cố gắng giảm thiểu hoặc loại bỏ điện hạt nhân ra khỏi cấu trúc năng lượng (như Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Pháp); tuy nhiên một số quốc gia khác vẫn duy trì hoặc đẩy mạnh sử dụng nguồn năng lượng này, điển hình là Trung Quốc. Một số công nghệ mới ra đời, đang dần hoàn thiện và triển khai trên thực tế, đáng chú ý là lò phản ứng công suất nhỏ dạng mô-đun (SMR). Do nhu cầu cấp thiết về năng lượng, nhiều quốc gia bắt đầu tiếp cận và triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên, như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Bangladesh, Belarus, và Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia mới nhất.

Tỷ trọng điện hạt nhân của một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới, cập nhật ngày 28/10/2018 (pris.iaea.org)

Chính sách hạn chế và loại bỏ:

Hàn Quốc

       Có thể nói Điện hạt nhân là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển “thần kỳ” của kinh tế Hàn Quốc. Nhưng chính sách của quốc gia này đối với ĐHN có rất nhiều thay đổi trong một thời gian ngắn. Năm 2015, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu điện năng tăng 2,2% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2029, dự kiến 13 lò phản ứng được xây mới để giảm sự phụ thuộc vào than đá và khí tự nhiên hóa lỏng. Nhưng chính phủ mới năm 2017 lại đưa ra dự thảo về kế hoạch loại bỏ ĐHN ở Hàn Quốc trong vòng 40 năm. Tháng 06/2017, tại buổi lễ đóng cửa tổ lò số 1 tại nhà máy ĐHN Kori, tổng thống Hàn Quốc tái khẳng định chính sách loại bỏ điện hạt nhân, không gia hạn hoạt động cho các tổ lò hiện có, và hủy bỏ các kế hoạch xây dựng lò phản ứng mới. Kết quả trưng cầu dân ý đã thông qua việc hoàn thiện các tổ lò số 5 và 6 tại nhà máy ĐHN Shin Kori, tuy nhiên chính phủ cam kết không xây mới bất kỳ lò phản ứng nào nữa.

       Kế hoạch của chính phủ Hàn Quốc vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các nhà khoa học và các nhà bảo vệ môi trường. Họ kêu gọi tổng thống thay đổi chính sách năng lượng của nước này.      

Cộng hòa liên bang Đức

       Nước Đức đã thể hiện thái độ “không thiện cảm” với điện hạt nhân từ những năm 1998, khi đưa ra chính sách giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng này. Năm 2011, chính phủ đưa ra tiến trình loại bỏ ĐHN, theo đó đến năm 2022 sẽ dừng tất cả 7 tổ lò đang làm việc, và không xây mới. Để bù đắp cho điện hạt nhân đang đóng góp khoảng 12%, Đức dự kiến xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí, đồng thời tăng cường đóng góp của năng lượng gió.

Cộng hòa Pháp

       Để thực hiện cam kết cắt giảm ĐHN trong cơ cấu năng lượng của nước Pháp khi tranh cử, ngày 27/11/2018, tổng thống Macron đã đưa ra lộ trình dừng hoạt động của 14 lò phản ứng vào năm 2035, giảm tỉ lệ ĐHN từ 75% ở thời điểm hiện tại xuống 50% vào năm 2025. Chính sách này tiếp nối chính quyền tiền nhiệm của tổng thống Francois Hollande. Tuy nhiên ông Macron nhấn mạnh “Giảm thiểu đóng góp của điện hạt nhân không có nghĩa là từ bỏ năng lượng hạt nhân”. Pháp hiện là quốc gia có tỉ trọng ĐHN cao nhất thế giới 71,62% năm 2017. Mục tiêu của chính sách này là thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, hạn chế điện than, nâng cao hiệu suất của các NMĐHN hiện có, và không loại trừ khả năng xây mới các NMĐHN nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Hoa Kỳ

       Ngày nay, hầu hết các lò phản ứng thương mại tại Hoa Kỳ được sở hữu bởi những công ty tư nhân, và ngành công nghiệp hạt nhân được tư hữu hóa ở mức độ rất cao so với các quốc gia khác. Do đó việc xây dựng và mua bán ĐHN phụ thuộc hoàn toàn vào quy luật cung cầu. Có hai thách thức với sự phát triển của điện hạt nhân là: Giá thành thấp của các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí đốt, và sự trợ giá đối với năng lượng gió. Việc áp đặt thuế phát thải khí CO2 sẽ giúp điện hạt nhân cạnh tranh với nhiệt điện khí và than, nhưng chỉ trong ngắn hạn. Với việc giá khí tự nhiên ở mức thấp liên tục từ năm 2010, sự phát triển của ĐHN tại Hoa Kỳ trong những thập niên gần đây là rất hạn chế. Kể từ năm 1996, chỉ duy nhất tổ lò số 2, nhà máy ĐHN Watts Bar, được xây mới và đi vào vận hành tháng 06/2016.

       Đóng góp của điện hạt nhân ở Hoa Kỳ khá ổn định trong 2 thập niên vừa qua, khoảng 20%, nhưng do yếu tố kinh tế, hơn 20 tổ lò phản ứng có thể sẽ đóng cửa trước “thời gian nghỉ hưu” sẽ dẫn đến sự suy giảm tỉ trọng của ĐHN.

 Xu hướng thay đổi tỉ trọng ĐHN của một số quốc gia tính đến năm 2017 (pris.iaea.org)

Duy trì và phát triển:

Nhật Bản

       Hơn ai hết thì những người dân Nhật Bản đã chứng kiến và hứng chịu hậu quả của sự cố Fukushima, nhưng không vì thế mà chính phủ và người dân của quốc gia này “quay lưng” lại với điện hạt nhân. Sau khi dừng các lò phản ứng để đánh giá an toàn sau sự cố Fukushima, các lò phản ứng đang lần lượt được tái khởi động. Cụ thể, 9 tổ lò đang được vận hành, 18 tổ lò đang hoàn thiện các thủ tục để làm việc trở lại, 22 tổ lò dừng vận hành. Đến năm 2030, đóng góp của ĐHN sẽ tăng từ 3.6% tại thời điểm hiện tại lên 20~22%, tuy không cao bằng mức 30% như trước thời điểm xảy ra Fukushima, nhưng chính sách đó thể hiện sự gắn bó của Nhật Bản với điện hạt nhân.

Đài Loan

       Vùng lãnh thổ này hiện tại sở hữu 4 tổ lò phản ứng, 2 tổ lò đang được xây dựng, sản lượng điện hạt nhân năm 2017 là 21,6 TWh, đóng góp 9,33% vào cơ cấu điện năng. Năm 2016, Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) đã thắng cử và thông qua chính sách loại bỏ điện hạt nhân vào năm 2025. Với đặc thù nhập khẩu đến 98% năng lượng, nhu cầu năng lượng tăng 3,5% mỗi năm trong giai đoạn 1992-2012, thì việc loại bỏ ĐHN là một bài toán rất khó giải. Dưới sức ép của các nhà khoa học, chuyên gia năng lượng, và sự ủng hộ của nguyên tổng thống Mã Anh Cửu, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tiến hành vào ngày 26/11/2018 liên quan đến Khoản 1 điều 95 của Đạo luật Điện năng, quy định “Tất cả các cơ sở sản xuất điện hạt nhân sẽ dừng hoàn toàn vào năm 2025”. Kết quả là 59% số phiếu ủng hộ loại bỏ điều khoản trên, đây là cơ sở để tiếp tục vận hành và phát triển điện hạt nhân ở Đài Loan.

Các quốc gia “mới nổi”:

       Tính đến tháng 10 năm 2018, theo thống kê của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, có 30 quốc gia đang xem xét, lên kế hoạch và triển khai chương trình điện hạt nhân.

Phần Lan

       Ngày 23/11/2018, Phần Lan đưa ra chính sách phát triển điện hạt nhân. Theo đó, quốc gia này sẽ phát triển nguồn nhân lực phục việc xây dựng và vận hành tổ lò đầu tiên vào năm 2033. Mục tiêu xây dựng 6 tổ lò, đóng góp 10% nhu cầu điện năng, hướng tới mới mục tiêu6 – 9 GW-ĐHN vào năm 2043.

Ai Cập

       Trong lịch sử, Ai Cập đã nhiều lần lên kế hoạch xây dựng NMĐHN, nhưng đều không thành công. Gần nhất, tháng 11/2015, một hiệp định liên chính phủ giữa Ai Cập và Nga về việc xây dựng và vận hành 4 tổ lò được ký kết, bao gồm hợp đồng cung cấp và sử dụng nhiên liệu, đào tạo và xây dựng pháp quy. Năm 2016 ký kết về tài chính, năm 2017 ký kết hợp đồng xây dựng cho 4 tổ lò tại NMĐHN El Dabaa, với tổng thầu là Atomstroyexport. Ngoài ra, Ai Cập cũng có những hợp tác với Trung Quốc (2006) và Hàn Quốc (2013) về việc phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải điện năng, cũng như kế hoạch xây dựng NMĐHN thứ hai tại nước này.

Uzbekistan

       Tháng 12/2017, Uzbekistan và Nga ký kết hiệp định liên chính phủ về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Tháng 03/2018, Uzbekistan liệt kê 10 địa điểm có thể xây dựng NMĐHN và tiến hành lựa chọn địa điểm. Tháng 12/2018 ký kết xây dựng 2 tổ lò VVER-1200 với Rosatom, dự kiến vận hành năm 2028.

Jordan

       Ủy ban Chiến lược Hạt nhân của Jordan (JAEC) được thành lập năm 2007, xây dựng một chương trình năng lượng hạt nhân với tỉ lệ 30% sản lượng điện vào năm 2030 và tiến tới xuất khẩu năng lượng. Tháng 10/2013 JAEC thông báo Rosatom (Nga) sẽ cung cấp 2 tổ lò AES-92 để xây dựng tại nước này dưới dạng liên doanh. Tháng 06/2018 Jordan thông báo hủy bỏ thỏa thuận với lý do giá thành cao và chuyển sự quan tâm sang công nghệ SMR.

       Tháng 03/2017 JAEC và Cơ quan nghiên cứu năng lượng nguyên tử và tái tạo của Saudi Arabia (KA-CARE) ký kết hợp tác nghiên cứu tiền khả thi cho dự án xây dựng 2 tổ lò SMR tại Jordan. Tháng 11/2017 JAEC ký kết biên bản ghi nhớ với Rolls-Royce để thực hiện nghiên cứu tiền khả thi xây dựng một tổ lò SMR khác sử dụng công nghệ lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao, công suất 76 MW-điện. Tháng 04/2018 JAEC đàm phán với Tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) để xây dựng tổ lò làm mát bằng khí nhiệt độ cao công suất 220 MW-điện. Sau khi hủy bỏ dự án NMĐHN Qasr Amra, tháng 06/2018 Rosatom vẫn tiếp tục hợp tác với JAEC trong lĩnh vực SMR.

Trung quốc

       Tính đến tháng 11 năm 2018, Trung Quốc đang vận hành 46 tổ lò phản ứng, 15 tổ lò đang được xây dựng và nhiều dự án khác đã được lên kế hoạch. Quốc gia này đang nỗ lực đạt mục tiêu 58 GW-ĐHN vào năm 2020, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng và giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí do các nhà máy đốt than gây ra. Theo thống kê của IAEA, Trung Quốc đang có tốc độ phát triển điện hạt nhân nhanh nhất thế giới. Đáng quan tâm hơn là tham vọng làm chủ công nghệ lò phản ứng, sở hữu chuỗi cung ứng nhiên liệu, và hướng đến xuất khẩu công nghệ.

       Sau giai đoạn đầu nhập khẩu, làm chủ công nghệ và nội địa hóa, hiện tại Trung Quốc đã tự thiết kế và xây dựng các công nghệ của mình, như các lò phản ứng nước áp lực CAP1000 và CPR-1000. Ngoài ra, các lò phản ứng thế hệ mới cũng được quan tâm, ví dụ như công nghệ lò phản ứng nhiệt độ cao làm mát bằng khí, hay các lò phản ứng phân hạch sử dụng neutron nhanh cũng được ưu tiên sử dụng. Đặc biệt là mục tiêu phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), nhỏ gọn và linh hoạt, giúp cung cấp điện, khử muối tạo nước ngọt cho các đảo xa bờ hoặc các hoạt động ngoài khơi như khai thác dầu khí. Công nghệ lò phản ứng ACPR50S đang được thiết kế và xây dựng, dự kiến FNPP đầu tiên của Trung Quốc sẽ hoàn thiện và đi vào vận hành năm 2020, sau đó phát triển với số lượng lên tới 20 tổ lò loại này.

Kết luận

       Bức tranh điện hạt nhân toàn cầu phụ thuộc vào chính sách năng lượng ở từng quốc gia. Tuy nhiên ta thấy được sự thay đổi nhanh chóng trong quan điểm của các chính phủ đối với ĐHN trong từng thời kỳ khác nhau. Đặc biệt, khi quan sát quá trình khắc phục sự cố Fukushima, và chính sách tái phát triển ĐHN của Nhật Bản, nhiều quốc gia khác sẽ đánh giá đầy đủ hơn về lợi ích và rủi ro mà điện hạt nhân mang lại. Những ưu thế về mức độ phát thải các-bon thấp và giá thành thấp hơn so với các loại năng lượng tái tạo, giúp ĐHN giữ được vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Dự kiến công suất lắp đặt của ĐHN trên thế giới sẽ tăng lên 536 GW, chiếm khoảng 18% sản lượng điện trên thế giới vào năm 2030.

Phạm Tuấn Nam (Tổng hợp)

Trung tâm Năng lượng hạt nhân – Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Thông tin và số liệu được tổng hợp từ:

Hệ thống thông tin lò phản ứng công suất của IEAE: https://pris.iaea.org/PRIS/CountryStatistics/CountryStatisticsLandingPage.aspx

Hiệp hội hạt nhân thế giới: http://www.world-nuclear.org/information-library/country-profiles.aspx

http://www.world-nuclear.org/information-library/country-profiles/others/emerging-nuclear-energy-countries.aspx

Thông báo

Khách online: 0

Lượt truy cập: 39001