• Hợp tác - Đào tạo
  • Đào tạo

Viện KH&KTHN tổ chức thành công Khoá đào tạo về “Kiểm soát hoạt độ phóng xạ môi trường lần thứ nhất”

Trong thời gian 2 tuần từ ngày 06/02 đến 17/02/2012, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KHKTHN) đã tổ chức thành công khoá đào tạo thực hành về “Kiểm soát hoạt độ phóng xạ môi trường lần thứ nhất” (1st VINATOM-JAEA Joint Training Course on Environmental Radioactivity Monitoring: ERM-1). Đây là khoá đào tạo thực hành cấp chứng chỉ nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác đào tạo nhân lực hạt nhân giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN-VINATOM) và Trung tâm đào tạo nhân lực hạt nhân của Nhật Bản (JAEA_NuHRDeC) được ký kết từ năm 2001.

Tham dự khoá đào tạo này có 20 học viên đến từ các Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh thuận, Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La, Lạng Sơn; Viện công nghệ xạ hiếm; Viện KH&KTHN và Trung tâm đánh giá không phá hủy.

Giảng viên của khoá đào tạo là các cán bộ của Viện NLNTVN đã được đào tạo theo dự án tại Nhật Bản, đặc biệt có sự phối hợp của 3 chuyên gia Nhật Bản trong suốt thời gian giảng dạy và hướng dẫn tiến hành các thí nghiệm thực hành.

Trong ngày khai mạc khóa học, phóng viên Báo New York Times thường trú tại Châu Á đã đến để tìm hiểu và đưa tin về các nội dung và hoạt động trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực hạt nhân đã và đang hợp tác giữa VINATOM và JAEA.

Chương trình đào tạo rất phong phú gồm 16 bài giảng lý thuyết và 4 bài tập thực hành (chiếm khoảng 50% thời lượng) trên các thiết bị do Nhật Bản viện trợ. Nội dung chính của khóa học bao gồm:

- Một số kiến thức cơ bản về vật lý bức xạ,

- Các kỹ thuật thu góp và xử lý mẫu môi trường,

- Các kỹ thuật ghi đo bức xạ mẫu môi trường (kỹ thuật đo tổng hoạt độ phóng xạ anpha, beta; kỹ thuật phân tích phổ gamma; kỹ thuật đo nhấp nháy lỏng…) và đánh giá liều gamma hiện trường,

- Giới thiệu các mô hình dịch chuyển của các hạt nhân phóng xạ trong môi trường,

- Hiện trạng kiểm soát phóng xạ môi trường ở Việt nam,

- Mạng lưới quan trắc - cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia,

- Các văn bản pháp qui liên quan đến xây dựng và vận hành mạng lưới quan trắc - cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia,

- Kỹ thuật đánh giá liều chiếu xạ do hít thở, liều do I-131 gây ra,

- Liều bức xạ dân chúng trong sự cố NPP Daiichi Fukushima (DF),

- Một số kết quả quan trắc ảnh hưởng của sự cố DF trong không khí ở Việt Nam…

Đây là những nội dung cơ bản và cần thiết nhất đối với các cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp tham gia vận hành và đảm nhiệm các công việc liên quan đến Trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường các cấp trong Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, đồng thời rất thiết thực đối với các cán bộ đang thực hiện các công việc liên quan đến công tác an toàn bức xạ và hạt nhân cũng như các cán bộ sẽ trực tiếp tham gia vào các hoạt động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân ở các mức độ khác nhau của các cơ quan, đơn vị trong cả nước.

Trong khóa học, các học viên còn phải thực hiện bài kiểm tra kiến thức đầu vào trước khi tham gia khóa học và bài kiểm tra cuối khóa để đánh giá kết quả thu được sau khóa học. Điểm trung bình bài kiểm tra cuối khóa (20 câu hỏi) là 72.8/100, tăng 19.8 điểm (tăng 37.7% so với bài kiểm tra đầu vào). 25% học viên có điểm ³ 80/100, 50% học viên có điểm ³ 70/100. Số còn lại đều đạt điểm trung bình. Kết thúc khóa học, tất cả các học viên đều đã được cấp chứng chỉ. Khóa học thành công tốt đẹp.

 

Vương Thu Bắc

Thông báo

Khách online: 0

Lượt truy cập: 37644