Hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc gia Pháp với Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân về Vật lý hạt nhân thực nghiệm liên quan đến cấu trúc các hạt nhân lạ nằm xa vùng bền

Monday, 08/10/2018, 00:00

       Theo chương trình hợp tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) với đầu mối là Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Pháp (CEA), từ ngày 23-30/09/2018 TS. Alain Gillibert đã sang thăm và làm việc tại Trung tâm Vật lý hạt nhân (VLHN) thuộc Viện KH&KTHN và Trung tâm Đào tạo Hạt nhân thuộc Viện NLNTVN. Trong thời gian này, Trung tâm VLHN và Đoàn Thanh niên Viện KH&KTHN đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo Hạt nhân tổ chức buổi hội thảo “Hợp tác đào tạo với cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc gia (CEA) về Vật lý hạt nhân thực nghiệm liên quan đến cấu trúc các hạt nhân lạ nằm xa vùng bền” vào ngày 27/09/2018, tại Viện KH&KTHN. Buổi hội thảo bao gồm 06 báo cáo tham luận. Thông qua các báo cáo, Viện KH&KTHN và đại diện CEA đã giới thiệu và trao đổi về các hướng nghiên cứu của mình và một số kết quả đạt được gần đây. Đặc biệt, hai bên cũng dành nhiều thời gian thảo luận về các vấn đề hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo. Ngoài ra, trong thời gian một tuần ở Việt Nam, TS. Alain Gillibert đã làm việc cùng các cán bộ tại Trung tâm VLHN để hoàn thiện bản thảo hướng tới công bố quốc tế các số liệu thực nghiệm từ thí nghiệm phản ứng hạt nhân thuộc dự án SEASTAR ("Shell Evolution And Search for Two-plus energies At RIBF"). Đây là một dự án nghiên cứu quốc tế mà hai bên là thành viên, với các thí nghiệm được thực hiện tại Viện Nghiên cứu Hóa Lý RIKEN, Nhật Bản.

       Trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên với đại diện đầu mối là Viện Nghiên cứu các Định luật cơ bản của Vũ trụ (IRFU) và Viện KH&KTHN, hướng nghiên cứu vật lý hạt nhân thực nghiệm được bắt đầu từ năm 2014. Từ đó đến nay, hàng năm, hai bên đều có các lượt trao đổi cán bộ hợp tác, nghiên cứu. Với định hướng ưu tiên phát triển trong lĩnh vực này, phía Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng cử cán bộ sang Cộng hòa Pháp và Nhật Bản để tham gia các dự án khoa học nhằm xây dựng một nhóm nghiên cứu tiệm cận với trình độ quốc tế. Hy vọng, với sự nỗ lực từ nhóm nghiên cứu cùng với giúp đỡ từ phía bạn, hướng nghiên cứu Vật lý hạt nhân thực nghiệm tại Viện NLNTVN sẽ có những phát triển tích cực trong thời gian tới.

       Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:

 

TS. Lê Xuân Chung

TT Vật lý hạt nhân – Viện KH&KTHN

Lượt xem: 7680

Các tin khác